Phát minh ra kim loại mới có thể khiến nước nảy như bóng rổ
Mới đây các nhà nghiên cứu ở Đại học Rochester ở New York đã công bố một phát minh mới, đó là siêu kim loại. Theo tuyên bố của các nhà khoa học, họ đã sử dụng tia laser để biến các kim loại trở thành những chất liệu có thể cản được nước mà không cần phải sử dụng lớp sơn đặc biệt nào.
Siêu kim loại này có thể hất tung các giọt nước khi chúng chạm vào bề mặt. |
Kết quả của nghiên cứu này đã được đăng lên Tạp chí Vật lý Ứng dụng của Mỹ, miêu tả về kỹ thuật bằng laser một cách chính xác giúp tạo những đường vân nhỏ ở cấp độ phân tử, qua đó tạo ra đặc tính mới này của kim loại.
Nghiên cứu này dựa trên một công trình trước đó của nhóm các nhà khoa học, khi họ đã sử dụng cùng kỹ thuật chiếu laser này để biến các kim loại thành màu đen.
“Chất liệu này không thấm nước mạnh đến mức, nước rơi vào bị bật ra. Sau đó nó lại rơi lên bề mặt kim loại lần nữa và bị nảy ra, rồi lăn trên bề mặt và rơi xuống đất”, ông Guo, một giáo sư quang học của Khoa Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng Hajim thuộc đại học Rochester cho biết.
Bằng kỹ thuật của mình, giáo sư Guo cùng với đồng nghiệp là ông Anatoliy Vorobyev nói họ có thể tạo ra các bề mặt kim loại không những cực kỳ chống thấm nước mà còn cực kỳ hút ánh sáng.
Với khả năng hấp thụ ánh sáng, vật thể này có thể sử dụng cho các thiết bị sử dụng ánh mặt trời, ví dụ như hệ thống cảm biến và các thiết bị năng lượng mặt trời, còn khả năng chống thấm nước sẽ khiến chúng chống chịu được băng giá và gỉ sét.
Video chất liệu kim loại có thể hất tung nước. |
Các nhà khoa học cho biết, khi nước nảy ra khỏi bề mặt của kim loại, nước cũng sẽ hút các tinh thể bụi và mang đi khi bật ra, nhờ đó mà chất liệu này có khả năng tự làm sạch. Họ tỏ ra rất hào hứng với những ứng dụng của loại vật liệu siêu chống thấm này ở các nước đang phát triển.
“Tại những khu vực này, việc lấy nước mưa rất quan trọng và sử dụng những vật liệu siêu chống thấm có thể gia tăng hiệu quả của việc này mà không cần sử dụng phễu có góc nghiêng lớn để tránh nước bám vào bề mặt”, ông Guo cho biết. “Ứng dụng tiếp theo của nó là giúp xây dựng các hố xí sạch và an toàn hơn cho sức khỏe”.
Vật liệu này cũng có thể áp dụng cho các smartphone, vốn thường dễ bị bẩn và thường bám nhiều chất nhờn, mồ hôi từ da. Bề mặt siêu chống thấm không chỉ có thể tự làm sạch vết nhờn, nó còn giảm độ chói bằng cách tán các tia sáng ra nhiều hướng. Một ứng dụng nữa là chất liệu này có thể dùng để chế tạo cánh máy bay có thể ngăn chặn hiện tượng băng hình thành khi đang bay.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh thị trường truyền thông thế giới. Sputnik sẽ chính thức thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.