Phát hiện loài khủng long ăn thịt mới có cánh như đại bàng
Ảnh phục dựng Zhenyuanlong Suni
Các nhà nghiên cứu cho biết loài khủng long này ăn thịt và có độ dài tới 1,8 mét. Chúng có thể chạy rất nhanh và lông bao phủ gần như toàn bộ cơ thể. Lông cánh và lông đuôi của nó dài và có cấu trúc khá giống với lông ngỗng. Mặc dù có cánh nhưng loài khủng long này không bay được.
Đây là loài khủng long có cánh lớn nhất đã từng được tìm thấy. Nó sống trong khoảng thời gian 125 triệu năm trước, trong thời kỳ kỷ Phấn trắng tại khu vực mà nay thuộc về Trung Quốc. Dựa trên hình dáng của nó, nhà cổ sinh học Steve Brusatte thuộc Đại học Edinburgh đã đặt cho nó cái tên Zhenyuanlong Suni (Rồng mặt trời Zhenyuan).
"Zhenyuanlong Suni là một loài khủng long có hình dạng rất giống chim. Nhìn nó chắc bạn liên tưởng tới một con gà tây, một con đà điểu hoặc một con gà cỡ lớn. Zhenyuanlong Suni là một loài chim ăn thịt kích thước lớn, cánh tay của nó khá ngắn so với cơ thể nên nó không thể bay được", Brusatte nói. Có thể, theo Brusatte dự đoán, Zhenyuanlong Suni sử dụng đôi cánh để thu hút bạn tình, đe dọa đối thủ hoặc ấp trứng.
Nhìn vào ảnh phục dựng, chúng ta thấy Zhenyuanlong Suni trông giống như một con đại bàng hoặc kền kền.
Cận cảnh hóa thạch xương tay và lông cánh của Zhenyuanlong Suni
Sự xuất hiện của Zhenyuanlong Suni làm dấy lên câu hỏi rằng đôi cánh của loài chim bắt đầu xuất hiện từ khi nào.
"Có thể, Zhenyuanlong Suni được tiến hóa từ một loài khủng long biết bay nên chúng vẫn có cánh. Hoặc, theo một giả thiết khác, Zhenyuanlong Suni phát triển, tiến hóa cánh để thu hút bạn tình, để ấp trứng hoặc một số chức năng khác và sau này tiến hóa thành đôi cánh lên mức có thể dùng để bay lượn", Brusatte suy đoán.
Các nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng, loài chim được tiến hóa từ những loài khủng long có lông cỡ nhỏ. Loài chim cổ xưa nhất từng được biết đến là Archaeopteryx sống trong khoảng thời gian 150 triệu năm trước và có kích thước tương đương một con quạ.
Theo VNReview