Phát hiện lỗ hổng trên bề mặt Mặt Trời
Lổ hổng được thấy như một vùng tối trên bề mặt Mặt Trời (Nguồn: NASA) |
Vệ tinh thiên văn SOHO chuyên quan sát Mặt Trời gần đây đã phát hiện ra một lỗ hổng khổng lồ trên khí quyển của ngôi sao này, thể hiện dưới dạng một quầng đen bao phủ gần 1/4 bề mặt của Mặt Trời, liên tục phun vật chất và khí nóng vào không gian. Lỗ này được gọi là "lỗ nhật hoa".
Lỗ nhật hoa lần đầu tiên được phát hiện trong những năm 1970. Chúng không phải là lỗ hổng theo nghĩa thông thường. Đây là khu vực có nhiệt độ thấp hơn, sẫm màu, nơi từ trường Mặt Trời vươn ra ngoài không gian. Lỗ nhật hoa có thể ảnh hưởng đến thời tiết không gian vũ trụ, do chúng phóng các hạt điện tử ra khỏi bề mặt Mặt Trời cực nhanh, theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
NASA cho biết tần suất xuất hiện các lỗ nhật hoa tăng lên theo cùng chu kỳ hoạt động mạnh của Mặt Trời.
"Bão Mặt Trời thoát ra từ lỗ hổng lớn gấp 50 lần bề ngang Trái Đất này, tạo nên những cơn bão địa từ gần Trái Đất, gây ra các đêm cực quang", NASA cho biết.
Lỗ nhật hoa mới được phát hiện gây ra các cơn gió Mặt Trời tốc độ cao, kéo theo dòng chảy hạt phân tử ra ngoài với vận tốc lên tới 800 km/s. Nếu nó hướng về Trái Đất, có thể ảnh hưởng nguồn điện, hay làm chuyển hướng các vệ tinh quay quanh Trái Đất, cũng như gián đoạn thông tin liên lạc vô tuyến.
Trái Đất thường bị tác động do các vụ Mặt Trời phun trào năng lượng vào không gian vũ trụ. Những khi Mặt Trời tuôn ra một lượng khổng lồ khí plasma nóng bỏng trong những đợt phun trào năng lượng lớn, nó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trong lịch sử, vụ phun trào lửa lớn nhất trên Mặt Trời được quan sát và ghi nhận vào tháng 9/1859. Khi đó hệ thống điện tín trên toàn thế giới đã bị sập, và các quan sát tại Greenland đã cho thấy tầng ozone bảo vệ cho Trái Đất đã bị hư hại bởi sự công kích của các luồng hạt năng lượng xuất phát từ Mặt Trời.
Vệ tinh SOHO trị giá 1,27 tỉ USD đã được phóng lên không gian năm 1995, trong một sứ mệnh hợp tác giữa NASA với Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Nó chịu trách nhiệm theo dõi hoạt động Mặt Trời từ quỹ đạo ổn định, cách Trái Đất khoảng 1,5 triệu km.
Theo Trung Hiếu/TGVN