Phát hiện hóa thạch khủng long có “cánh buồm” trên lưng
Hình ảnh mô phỏng loài khủng long mới được phát hiện với “cánh buồm” trên lưng. (Nguồn: CSM) |
Với bộ xương Morelladon hóa thạch vừa được phát hiện, chủ yếu là đốt sống và xương chậu, các nhà khoa học thấy rằng, các đốt xương sống kéo dài đã hình thành nên cái “buồm” trên lưng con vật.
Các nhà khoa học còn chưa biết chắc chắn cái “buồm” trên lưng này đã phục vụ cho loài khủng long vừa có tên khoa học là Morelladon beltrani này như thế nào: Giúp con vật điều tiết nhiệt độ cơ thể? Nơi dự trữ chất béo? Hoặc, chỉ để làm đỏm?...
Tiến sĩ Fernando Escaso – trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Thật khó để biết chức năng chính của “cái buồm” bằng xương này là gì bởi chúng tôi chỉ có xương, không có bằng chứng trực tiếp”.
Còn nhà cổ sinh vật học Paul Sereno (Đại học Chicago) thì dựa trên những manh mối có được từ những loài khủng long khác sống trong cùng một khu vực cùng thời kỳ để đưa ra giả định: Loài khủng long này có khả năng căng phồng “cánh buồm” lên bằng cách nào đó để trông có vẻ lớn hơn, hấp dẫn hơn với bạn tình.
Nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ tiếp tục tìm hiểu để đánh giá tốt hơn về tầm quan trọng của phát hiện hóa thạch loài khủng long mới này, cũng như về “cánh buồm” của nó. “Phát hiện cho thấy rằng có sự đa dạng đáng kể trong những loài khủng long tương tự trong kỷ Phấn trắng và có lẽ loài Morelladon là phổ biến nhất và thống trị môi trường ở thời kỳ này” - Tiến sĩ Escaso cho biết.
Loài Morelladon sống trên Trái Đất khoảng 125 triệu năm trước và được coi là có kích thước trung bình so với các loài khủng long tương tự vào thời điểm đó.
Theo Trung Hiếu/ TGVN