Phản ứng khó hiểu của các nước trước chiến thắng của Putin
Phản ứng khó hiểu của các nước trước chiến thắng của Putin
Dân Nga lũ lượt xuống đường tố cáo gian lận bầu cử
Putin vừa chiến thắng đã phải đối mặt với biểu tình
Hình ảnh nước Nga ăn mừng chiến thắng của Putin
Sau khi ông Vladimir Putin giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Nga hôm chủ nhật, thế giới bày tỏ phản ứng trái ngược nhau. |
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, Victoria Nuland cho hay Washington hi vọng Mátxcơva sẽ tiến hành một cuộc điều tra “độc lập và đáng tin cậy”sau khi các quan sát viên quốc tế nhận thấy kết quả của cuộc bầu cử đã bị “bóp méo” nhằm có lợi cho ông Putin.
Ông Vladimir Putin đã giành được 64% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử hôm chủ nhật và trở thành tân tổng thống Nga trong nhiệm kỳ 2012-2018 sau khi giữ vị trí tổng thống Nga vào hai nhiệm kỳ 2000-2008 và thủ tướng Nga nhiệm kỳ 2008-2012.
Theo AFP, các quan sát viên quốc tế do Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) dẫn đầu cho rằng mặc dù cuộc bầu cử đã có tiến bộ về độ minh bạch nhưng kết quả chiến dịch tranh cử đã nghiêng về phía có lợi cho ông Putin.
“Các điều kiện (cho chiến dịch) rõ ràng đã bị bóp méo theo hướng có lợi cho ông Vladimir Putin” mặc dù quá trình kiểm phiếu đã “được đánh giá là không tốt tại gần 1/3 điểm bầu cử được quan sát do có sự vi phạm qui trình bầu cử”, nhóm quan sát viên nhận xét.
Hôm qua tại Mátxcơva, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình phản đối việc ông Putin quay lại điện Kremlin, một số người thậm chí đã hô to “thật nhục nhã” còn cảnh sát đã xông vào giải tán đám đông và bắt giữ hàng chục người.
Bà Nuland cho hay Washington đồng ý với bản báo cáo sơ bộ của OSCE và Hội đồng nghị viện châu Âu (PACE).
Không đề cập cụ thể đến tên của ông Putin, bà cũng nói thêm rằng Hoa Kỳ “mong sẽ làm việc với tổng thống được bầu sau khi các kết quả bầu cử được chứng thực và tên của ông được trang trọng nêu lên”.
Trong khi đó bà Catherine Ashton, Cao ủy về an ninh và ngoại giao của Liên minh châu Âu, cho hay EU công nhận kết quả bầu cả hôm chủ nhật và lãnh đạo của một số cường quốc châu Âu cho biết họ muốn hợp tác với Mátxcơva.
“EU ghi nhận kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử tổng thống và chiến thắng rõ ràng của ông Vladimir Putin”, bà Ashton phát biểu đồng thời cũng kêu gọi Nga quan tâm đến các “thiếu sót” của cuộc bầu cử mà các quan sát viên đã nêu ra.
“Liên minh châu Âu mong chờ được hợp tác với vị tổng thống sắp tới của Nga và chính phủ mới sẽ nhận được sự ủng hộ toàn diện theo chương trình đổi mới của chúng tôi. Chúng tôi tin tưởng rằng vị tổng thống mới của Nga sẽ sẵn sàng thúc đẩy cải cách, đối thoại nhiều hơn nữa với công dân tiến tới một xã hội dân sự”, bà phát biểu.
Trong khi đó, Syria hoan nghênh cái mà họ gọi là chiến thắng “xuất sắc” của ông Putin với lòng biết ơn vì Nga đã từ chối tham gia vào phong trào chỉ trích cuộc đàn áp dã man của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đối với lực lượng đối lập.
Ngoại trưởng Pháp, Alain Juppe bày tỏ phản ứng khá lãnh đạm mặc dù ông cho rằng việc tái đắc cử của ông Putin là điều “không nằm ngoài dự báo” và nói thêm rằng “mục tiêu của chúng ta là phát triển mối quan hệ đối tác mà chúng ta đã có với Nga, một mối quan hệ thực sự có tính chiến lược trên mọi lĩnh vực”.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh David Cameron cho hay ông Cameron sẽ gọi điện cho ông Putin và Anh muốn có “một mối quan hệ có tính xây dựng với Nga” sau nhiều năm căng thẳng diễn ra trong quan hệ giữa hai nước.
Bộ trưởng ngoại giao Đức Guido Westerwelle cho hay, chính phủ của ông mong muốn được hợp tác với Putin “một cách xây dựng và tin cậy lẫn nhau”.
Ngoại trưởng Lithuania, Audronius Azubalis cho hay số lượng người đi bầu ở mức cao “thể hiện rằng xã hội Nga mong mỏi nền dân chủ và sẵn sàng chủ động nỗ lực nhiều hơn nữa để tiến hành các thay đổi cần thiết cho đất nước”.
Các nước thuộc khối Liên Xô (cũ) chào đón kết quả bầu cử với sự nồng nhiệt hơn.
Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov chúc ông Putin sẽ “có nhiệm kỳ thành công và đem lại nhiều kết quả vì sự thịnh vượng của nhân dân Nga”.
Tổng thống Serbia Boris Tadic nhấn mạnh về những mối quan hệ “có tính lịch sử và tinh thần” giữa Belgrade và Mátxcơva và cho rằng hai bên nên phát triển “những mối quan hệ kinh tế và thương mại theo cách hiệu quả nhất trong tương lai”.
Nhật Bản, đất nước có mối quan hệ thăng trầm với Nga và hiện hai nước đang căng thẳng về vấn đề chủ quyền trên các hòn đảo, cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác với tân tổng thống Putin.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào “đã gửi điện chúc mừng” sau khi biết tin ông Putin tái đắc cử.
“Chúng tôi tin rằng nước Nga sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định chính trị xã hội cũng như sự phát triển kinh tế và đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế”.
Lê Dung