Phải xử lý ngay gần 1000 tấn hải sản nhiễm độc ở miền Trung
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT ngày 9/11, ông Nguyễn Văn Trung- Vụ trưởng Vụ khai thác thủy sản cho biết, hiện nay vẫn còn 5.366 tấn hải sản tồn kho ở 4 tỉnh miền Trung. Tuy nhiên xét nghiệm chỉ có 966 tấn có chỉ tiêu vượt ngưỡng, không an toàn, còn lại hơn 4.400 tấn đảm bảo an toàn.
Ông Trung cho biết, tại cuộc họp ngày 8/11 với các bộ, ngành, địa phương về ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh sau sự cố môi trường biển, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tiêu hủy đối với 966 tấn hải sản không an toàn ngay trong tháng 11 và bồi thường 100% giá trị.
Tại 4 tỉnh miền Trung vẫn còn 966 tấn hải sản tồn kho không an toàn, |
Đối với gần 100 tấn hải sản an toàn nhưng đã quá hạn sử dụng thì chuyển sang chế biến thức ăn chăn nuôi, được hỗ trợ 70% giá trị; đối với hơn 4.000 tấn hải sản bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng chưa tiêu thụ được thì giao các địa phương tổ chức tiêu thụ và được hỗ trợ 30% giá trị;
Theo lãnh đạo Cục Khai thác thủy sản, tất cả các hải sản khai thác đã được đảm bảo an toàn do kiểm soát tốt việc không khai thác cá tầng đáy biển. Đội kiểm ngư đã phối hợp với thanh tra tại các tỉnh để tăng cường giám sát khu vực 20 hải lý trở vào.
“Chính vì thế đến hết tháng 11 trên thị trường sẽ không còn hải sản nhiễm độc, lập lại thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn”, ông Trung cho hay.
Trước đó, để phục hồi nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh là nơi cư trú của các loài thủy sản, Bộ NN&PTNT khuyến cáo ngư dân chưa khai thác tại ba khu vực biển (Hòn Sơn Dương - tỉnh Hà Tĩnh, cách bờ 1,5 km với diện tích 300 km2; Cửa Nhật Lệ - tỉnh Quảng Bình, cách bờ 1,5 km với diện tích 330 km2 Hòn Sơn Chà - tỉnh Thừa Thiên Huế, cách bờ 1,5 km với diện tích 160 km2).
Đồng thời, không sử dụng các nghề khai thác tầng đáy như nghề: lưới kéo, rê đáy, lặn, câu đáy, lồng bẫy, khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ tự nhiên trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản định kỳ lấy mẫu muối và giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm muối với các chỉ tiêu phân tích: Cadimi, chì, thủy ngân, asen, phenol, xyanua; tần suất 1 lần/tháng theo từng khu vực sản xuất muối.