Phải làm gì nếu bạn là nạn nhân của vụ xâm phạm dữ liệu tại Marriott?
Marriott – tập đoàn sở hữu chuỗi khách sạn nghỉ dưỡng Starwood Hotels – vừa tiết lộ hệ thống đặt phòng của Starwood đã bị tấn công, có thể từ năm 2014. Với 327 triệu người, thông tin bị lộ bao gồm tên tuổi, số điện thoại, email, hộ chiếu. Với hàng triệu người khác, mã số thẻ tín dụng và ngày hết hạn có khả năng bị ảnh hưởng. Loại thông tin này có thể bị lợi dụng để đánh cắp danh tính và mở tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng hay vay nợ bằng tên nạn nhân.
Đây là vụ xâm phạm dữ liệu doanh nghiệp lớn thứ hai trong lịch sử, chỉ sau Yahoo. Năm 2017, Yahoo cho biết 3 tỷ tài khoản bị tấn công. Marriott nói đã bắt đầu gửi email cho khách hàng bị ảnh hưởng và mở website nêu thông tin chi tiết về vụ việc.
Trong thời gian chờ đợi, bạn nên làm theo hướng dẫn dưới đây để tự bảo vệ mình:
Đổi mật khẩu
Marriott khuyên khách hàng đổi mật khẩu thường xuyên và chọn mật khẩu khó đoán. Chẳng hạn, thay vì cụm từ thông thường, bạn có thể kết hợp 4 chữ cái không liên quan đến nhau cùng với chữ số và ký tự viết hoa, viết thường, ký tự đặc biệt. Bạn cũng nên dùng mật khẩu khác nhau cho tất cả các dịch vụ.
Nhiều website, bao gồm tài khoản mạng xã hội và tài chính, cung cấp chế độ xác thực hai lớp để bổ sung lớp bảo vệ khác. Nếu ai đó biết mật khẩu của bạn, họ vẫn không thể truy cập tài khoản nếu không có thông tin thứ hai, chẳng hạn mã số gửi đến số điện thoại đã đăng ký.
Theo dõi tài khoản phát hiện hoạt động bất thường
Marriott khuyến nghị khách hàng để ý đến tài khoản Starwood Preferred Guest để xem có hoạt động nào bất thường không. Khách hàng cũng nên kiểm tra tài khoản ngân hàng, hưu trí và môi giới cũng như thẻ tín dụng để tìm các giao dịch không ủy quyền.
Một số chuyên gia khuyên nên đăng ký dịch vụ theo dõi tín dụng hoặc bảo vệ danh tính trước nguy cơ bị đánh cắp. Biện pháp cực đoan hơn là đóng băng tín dụng, cấm bất kỳ ai tiếp cận báo cáo tín dụng của bạn mà không được sự cho phép. Marriott cho khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ WebWatcher và miễn phí 1 năm. Dịch vụ này theo dõi các website nơi thông tin cá nhân được chia sẻ và cảnh báo nếu có bằng chứng thông tin bị phát tán trên mạng.
Mở thẻ tín dụng riêng để giao dịch trực tuyến
Yair Levy, một chuyên gia hệ thống thông tin và an ninh mạng, gợi ý bạn nên mở thẻ tín dụng riêng cho mua sắm trực tuyến. Điều này giúp theo dõi giao dịch và phát hiện lừa đảo dễ hơn.
Hạn chế thông tin chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng không nên cung cấp thông tin từ khi cần phải có để mua sản phẩm hay dịch vụ. Khách hàng nên giới hạn thông tin họ cung cấp cho các công ty dựa theo nhu cầu. Thông thường, doanh nghiệp thu thập dữ liệu mà họ có thể không cần. Chẳng hạn, một đại lý du lịch sẽ hỏi thông tin hộ chiếu nhưng nếu bạn thấy không cần thiết, bạn có thể đề nghị cung cấp hình thức định danh khác thay thế.
Không lưu thông tin thẻ tín dụng trên website
Các chuyên gia khuyên nên giảm tối đa số lượng các nơi bạn lưu thông tin thẻ tín dụng. Nó không đồng nghĩa dữ liệu của bạn sẽ được an toàn hay được bảo vệ mà chỉ giảm nguy cơ bị tấn công. Một tùy chọn khác là dùng các dịch vụ như PayPal, Google Pay, Apple Pay, cho phép thanh toán hàng hóa và dịch vụ mà không cần để lộ thẻ tín dụng cho công ty mà bạn đang mua hàng.
Luôn thận trọng
Người dùng nên đề cao tinh thần cảnh giác vì các vụ xâm phạm dữ liệu ngày càng diễn ra thường xuyên. Các chuyên gia cảnh báo người dùng Internet trước những nỗ lực tấn công lừa đảo (phishing) nhằm đánh cắp dữ liệu, bao gồm các email, liên kết hoặc website giả mạo. Trên website vừa lập, Marriott nhắc nhở công ty sẽ không đề nghị bạn cấp mật khẩu qua điện thoại hay email.