Phải chứng minh mình bị hiếp dâm khi phá thai là thiếu nhân văn!
Chúng tôi xin được giới thiệu ý kiến của bà Chung Lê – Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại New York xung quanh những quy định này.
PV: Thưa bà, dự thảo Luật Dân số vừa đưa ra có quy định cấm phá thai trên 12 tuần tuổi, nếu muốn phá phá thai ở thời kỳ này trở lên thì người mẹ phải chứng minh đó là hậu quả của việc bị hiếp dâm hoặc loạn luân. Bà nghĩ sao về quy định đó?
Tôi cho rằng việc việc phải chứng minh mình bị hiếp dâm hay loạn luân là thiếu nhân văn. Điều đó gây tổn thương cho người mang thai bởi phải có những lý do nhất định họ mới đi đến quyết định phá thai. Việc bắt họ chứng minh lại thêm một lần khiến họ phải đau đớn. Đó là chưa nói đến những thủ tục lằng nhằng về pháp lý. Họ sẽ phải tố cáo rồi cần thời gian xác minh và đi đến kết luận…Những thủ tục đó sẽ khiến cho người mẹ vô cùng mệt mỏi. Tôi nghĩ là cần trao quyền cho người phụ nữ quyền quyết định nuôi hay bỏ thai nhi.
Hiện nay đã có nhiều phương tiện tránh thai khác nhau và có cả các loại thuốc tránh thai khẩn cấp trong vòng 72 giờ. Vậy nên chăng việc giáo dục giới tính và tự phòng vệ (kể cả việc dùng thuốc tránh thai khẩn cấp) là việc nên làm nhiều hơn?
Bà Chung Lê - Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại New York |
PV: Việc hạn chế phá thai thường được các nước khác thực hiện ra sao, thưa bà?
Ở nhiều nơi họ tìm cách vận động các bà mẹ có thai ngoài ý muốn bằng cách sinh ra đứa trẻ rồi đem cho những người hiếm muộn. Tại Mỹ có những tổ chức "môi giới" con nuôi như vậy.
Thông thường, sau khi kết nối được giữa hai bên, người nhận nuôi con nuôi sẽ có nhiệm vụ chăm sóc thai phụ cho đến tận kỳ sinh nở
Tuy nhiên, tôi cũng thấy nhiều tổ chức xã hội vẫn đấu tranh cho quyền về sức khỏe sinh sản nghĩa là thai phụ mới là người quyết định nuôi hay bỏ thai.
PV: Với điều kiện ở Việt Nam, việc lựa chọn giới tính thai nhi đang trở thành một vấn nạn. Luật này ra đời với hy vọng sẽ giúp làm cân bằng giới tính cho dân số. Bà có cho rằng việc ban hành Luật này là cần thiết và nên điều chỉnh như nào cho phù hợp?
Tôi cho rằng việc ban hành Luật là cần thiết. Tuy nhiên, tôi nghĩ, việc cấm phá thai không giúp làm cân bằng giới tính mà điều quan trọng hơn cả đó là vấn đề giáo dục giới tính. Việc này cần rất nhiều thời gian. Trong Luật Dân số, theo tôi nên có một lưu ý đối với thai nhi 12 tuần tuổi như một gợi ý thôi. Còn điều quan trọng nhất là nên có một điều khoản về giáo dục giới tính bởi đây mới là vấn đề mấu chốt. Điều đó tác động vào nhận thức của con người về vấn đề tình dục an toàn để không có thai ngoài ý muốn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!