“Phá băng im lặng" của CQNN: Lời giải không đến từ một phía
Các đại biểu phát biểu thẳng thắn tại Hội thảo Tăng cường liêm chính, thúc đẩy giải trình thông qua báo chí. (Ảnh: MEC) |
Con số thể hiện “sự im lặng đáng sợ”
“Tăng cường liêm chính, thúc đẩy giải trình thông qua báo chí và công bố báo cáo Mức độ phản hồi của tổ chức, CQNN đối với kiến nghị, phê bình của công dân trên báo chí” là chủ đề của hội thảo diễn ra mới đây tại Hà Nội. Hội thảo đã thu hút nhiều chuyên gia, đại diện một số cơ quan nhà nước, các nhà báo, tổ chức xã hội...
Tại hội thảo này, nhà báo Mai Phan Lợi (Phó Tổng TKTS báo Pháp luật TP. HCM) đã công bố kết quả nghiên cứu về Mức độ phản hồi của tổ chức, CQNN đối với kiến nghị, phê bình của công dân trên báo chí”. Theo đó, mức độ phản hồi của CQNN đối với thông tin phản ánh trên báo chí là rất thấp, chỉ có 25% nhà báo trong tổng số 279 người cho biết đã nhận được phản hồi từ CQNN, Tổ chức Đảng đúng thời hạn (30 ngày), trong số này có đến ¾ là phản hổi “thông tin vỏ”, chung chung. Thế nhưng, có đến 75% số nhà báo cho biết không nhận được phản hồi hoặc CQNN phản hồi quá chậm so với quy định.
Bản tham luận cũng chỉ rõ, mặc dù Nghị định 51/2002 về trách nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn đối với các kiến nghị, phê bình, tố cáo của công dân do báo chí chuyển đến đã quy định khá rõ nhưng hầu như những người có chức vụ, người đứng đầu tổ chức, CQNN đều không trực tiếp xử lý. Đa số đều ủy quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến báo chí cho bộ phận văn phòng hoặc người phát ngôn theo Quy chế phát ngôn.
Cuộc khảo sát của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, tại một số ngành Trung ương và Chính quyền địa phương, rất ít người biết đến quy định tại điều 3 Nghị định 51/2002 về thời hạn 30 ngày phải thông báo “kết quả hoặc biện pháp giải quyết” những vấn đề công dân nêu qua báo chí, cho dù quy định này đã có 11 năm.
Đâu là nguyên nhân?
Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra hàng loạt những nguyên nhân đang tồn tại khiến cho việc giải trình của các CQNN trước những phê bình, kiến nghị của người dân đang ở mức kém.
Đối với hệ thống pháp lý, quy định về trả lời của các CQNN chứa nhiều mâu thuẫn và thiếu bình đẳng. Nhà báo Mai Phan Lợi đã không ngần ngại đưa ra 3 kết luận cho vấn đề này:
Thứ nhất là không có chế tài cho việc chậm trả lời. Thực tế, điều 3 Nghị định 51/2002 đã chỉ ra thời hạn trả lời không quá 30 ngày. Nhưng lại không tìm thấy một chế tài nào để yêu cầu các CQNN tuân thủ. Do đó có một tình trạng, thực hiện cũng được, không thực hiện cũng không sao.
Thứ 2, báo cáo cũng chỉ ra, các luật mới sửa đổi, soạn mới “tước quyền” báo chí. Nghe có vẻ nặng nề nhưng nó cũng không phải không có lý khi nhóm nghiên cứu viện dẫn Luật Khiếu nại tố cáo, trước đây, có quy định bắt buộc CQNN phải trả lời cơ quan báo chí. Tuy nhiên, khi soạn thảo tách riêng thành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo thì quy định này “biến mất”.
Đặc biệt hơn, có nhiều CQNN, ban ngành khi ban hành quy phạm pháp luật hoặc các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ lại tìm cách “phạt”, “giới hạn” báo chí nhiều hơn trong ngành, lĩnh vực mà CQNN đó quản lý. Chẳng hạn như Bộ Tài chính quy định đăng sai về giá có thể bị phạt đến 100 triệu đồng.
Đóng góp thêm cái nhìn trong tham luận của mình, nhà báo Nguyễn Bá, Phó TBT Báo điện tử Infonet, còn dẫn lại Công văn số 1042/C67-P3 của Cục CSGT Đường bộ đường sắt có đoạn: “Luôn luôn nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời lẽ đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản...”. Dư luận không đồng tình, cho rằng: Văn bản này đã vượt qua luật pháp để kiểm soát quyền tác nghiệp của nhà báo và quyền giám sát của nhân dân.
Nhà báo Nguyễn Bá, Phó TBT Báo điện tử Infonet |
Nguyên nhân từ phía CQNN cho thấy nhiều người đứng đầu, người phát ngôn không biết đến quy định về trách nhiệm phản hồi theo điều 3 Nghị định 51/2002. Bên cạnh đó phổ biến là thiếu bộ phận chuyên trách, thiếu quy trình, phương pháp, kỹ năng kinh nghiệm... khi trả lời báo chí.
Cá biệt, có tình trạng phân biệt đối xử giữa báo trong ngành và báo ngoài ngành. Báo trong ngành thì cung cấp, chia sẻ thông tin, báo ngoài ngành thì “bưng bít”, ngại tiếp xúc. Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc phân biệt đối xử như vậy dẫn đến thông tin không đa chiều, thiệt hại lớn nhất thuộc về công chúng, về xã hội.
Nhìn nhận vấn đề từ nhiều hướng, Nghiên cứu còn chỉ ra những nguyên nhân không chỉ có nằm ở phía CQNN, mà còn nằm ngay tại các cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đã không thực hiện hết quyền của mình. Nhiều cơ quan đăng bài rồi bỏ sự việc trôi đi mà không dùng đến quyền gửi công văn để yêu cầu các CQNN giải trình, trả lời bằng văn bản.
Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng thanh tra báo chí và xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu: “Rất nhiều cơ quan báo chí không theo sát vụ việc đến cùng. Không theo dõi không biết đã trả lời hay không. Nếu không trả lời cũng không thực hiện các bước tiếp theo như chuyển ý kiến lên cấp cao hơn hay đưa lên mặt báo. Chính cách làm nửa chừng này đã đẩy nhiều vụ việc công dân có ý kiến rơi vào quên lãng”.
Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng thanh tra báo chí và xuất bản,Bộ Thông tin và Truyền thông. (Ảnh: Hồng Chuyên) |
Ông Toàn nhấn mạnh: “Mặt khác, chính việc làm nửa vời này đã khiến CQNN coi thường cơ quan báo chí, cho rằng, trả lời hay không trả lời cũng không sao, thích thì trả lời, không thích thì thôi, hoặc lúc nào thích thì trả lời”.
Ông Toàn cũng dẫn ra một vấn đề cụ thể, sát sườn với quyền lợi cơ quan báo chí và nhà báo nhưng cũng không được thông tin chi tiết trên báo chí. Ông cho biết: “Năm 2010, 2011, tình trạng xâm hại sức khỏe, tính mạng nhà báo, cản trở tác nghiệp của nhà báo khá nghiêm trọng. Các cơ quan vào cuộc quyết liệt nhưng đến nay thì thông tin liên quan đến vụ án, liên quan đến kết quả cuối cùng của những vụ việc đó chưa được công bố. Đây là việc liên quan đến quyền lợi của chính cơ quan báo chí và nhà báo nhưng cũng không được thông tin đầy đủ, triệt để”.
Ngoài ra, hội thảo còn dành một phiên để bàn về đạo đức phóng viên, nhà báo liên quan đến “mức độ phản hồi của cơ quan báo chí”.
Điều 3 Nghị định 51/2002 Quy định trách nhiệm của tổ chức, người có chức vụ
Khi cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng, tổ chức xã hội (gọi chung là tổ chức) và người có chức vụ nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí, trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày nhận được hoặc từ ngày báo chí đăng, phát thì người đứng đầu tổ chức, người có chức vụ phải thông báo cho cơ quan báo chí kết quả hoặc biện pháp giải quyết.
Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của người đứng đầu tổ chức, người có chức vụ thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí.