PGS.TS Bùi Thị An: “Ai gây ô nhiễm, kẻ đó phải trả tiền”
Liên quan đến dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang trình Quốc hội thông qua, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh: “Ai gây ô nhiễm như thế nào, thì phải trả tiền tương xứng với mức độ ấy. Áp dụng chế tài và xử lý bằng pháp luật”.
Tại lễ trao giải “Vành Khuyên Xanh và Tọa đàm về ô nhiễm không khí”, PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, đã có những ý kiến liên quan đến dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang trình Quốc hội thông qua.
PGS.TS Bùi Thị An (thứ 2 từ phải qua) tại buổi tọa đàm |
PGS.TS Bùi Thị An cho biết: “Luật cũng đã tập trung vào ô nhiễm không khí, bởi vì xét theo tình hình thực trạng ô nhiễm không khí vừa rồi cho thấy, hệ lụy của nó gây nên rất lớn đối với sức khỏe của người dân, tức là ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước”.
Bà An cho hay, sau khi rà soát tất cả những vấn đề có liên quan đến bất cập về môi trường, bà và tổ chức Liên minh Sức khỏe cộng đồng đã viết thư kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường 3 vấn đề chính để đưa vào dự thảo luật.
Theo đó, phải lập ra mục giám sát, phản biện xã hội của dân, chỉ người dân mới có quyền lên tiếng.
Hơn nữa, trong lĩnh vực ô nhiễm không khí có rất nhiều nguồn ô nhiễm khác nhau, từ rác thải công nghiệp của các nhà máy như sản xuất xi măng, nhiệt điện, khai thác đá vôi, đến thói quen đốt rơm rạ của người dân hay khói bụi của giao thông đô thị,… Cho nên, cần phải có chế tài rõ ràng để xử lý những đơn vị, những người gây ra ô nhiễm môi trường. Bởi, hầu hết mọi người có xu hướng muốn đánh thuế môi trường vào giao thông, đặc biệt là khói bụi từ xăng dầu. Tuy nhiên, nếu chỉ đánh vào xăng dầu thì rất đơn giản, chỉ cần thu tiền phạt của dân là xong.
Ngoài ra, phải quản lý chặt chẽ các phế thải nguy hại, trong đó, các phế thải gây ung thư như hợp chất amiang trắng sử dụng trong tấm lợp fibro xi măng ủ bệnh từ 20-25 năm.
Và PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh: “Ai gây ô nhiễm như thế nào, thì phải trả tiền tương xứng với mức độ ấy. Áp dụng chế tài và xử lý bằng pháp luật”. Bà An cho biết, phải tô đậm từ "tương xứng", bởi nếu cứ nói chung chung sẽ rất khó để giải quyết. Một khi đã thu nhầm thì luật không mang lại tính khả thi và dẫn tới nhờn luật, coi như lãng phí trong chuyện sửa luật tiếp theo.
Và để khắc phục tính trạng này, bà An đưa ra một số phương án như: Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản thì phải có những giải pháp cụ thể hơn, đặc biệt trong hệ thống thiết bị, để giám sát, đo đạc để có những số liệu chính thức về ô nhiễm không khí.
“Phải nắm rõ ngành nào phát thải nhiều, ngành nào phát thải ít và loại hình nào cần phải thu phí nhiều. Bởi con người không thể định lượng được cho nên cần một thiết bị đo đạc chính xác”, bà An nêu rõ.
Bên cạnh đó, theo bà An, để có kết quả chính xác và hạn chế sai chế tài, cần phải có các cơ quan kiểm tra chéo. Không để cho các doanh nghiệp tự đo, tự tính, tự báo cáo.
Đồng quan điểm với PGS.TS Bùi Thị An, ông Phạm Đức Bảo, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách phát triển, cho hay, ông hoàn toàn đồng ý với đề xuất và kiến nghị trên. Bởi cơ quan, tổ chức nào xả thải gây thiệt hại thì rõ ràng phải đền bù mức tương xứng”.
“Mức độ gây thiệt hại sau khi xác định rõ ràng thì người dân có quyền khởi kiện và pháp luật phải quy định xét xử. Nếu những cơ sở sản xuất kinh doanh không đủ tiêu chuẩn về xả thải thì không được phép hoạt động. Còn khi đã xả thải thì phải xử lý, nếu không phải chấp nhận hậu quả gây ra và đền bù tương xứng khi bị khởi kiện.”- Ông Phạm Đức Bảo nói.
Nguyễn Dung – Đoàn Sao
"Tôi đi nhiều, chưa thấy nước nào đem cân đi tính tiền đổ rác..."
"Tôi từng đi tham quan một số nước nhưng chưa thấy nước nào đem cái cân bàn đi để ai đổ rác thì đặt lên cân rồi ghi sổ…", GS Đặng Kim Chi nói.