Petrolimex xin gỡ khó thủ tục
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có công văn gửi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Tổng cục Hải Quan đề nghị giải quyết khó khăn của Công ty Liên doanh kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (VPT) – công ty con của Petrolimex, khi thực hiện các Hiệp định ưu đãi thuế quan Việt Nam – Hàn Quốc và Việt Nam - Asean.
Theo nội dung công văn này, Petrolimex cho biết, các hãng xăng dầu nước ngoài khi gửi hàng tại Kho ngoại quan Vân Phong do VPT quản lý đang gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O). Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của VPT.
Petrolimex kêu khó khăn trong cấp giấy chứng nhận C/O đối với hàng hoá nhập lưu tại kho ngoại quan của Công ty VPT |
Cụ thể theo Petrolimex, theo Thông tư 01/2013/TT-BCT về thực hiện các quy định của Hiệp định Việt Nam - Asean, muốn duyệt cấp C/O back to back thì tên người xuất khẩu là thương nhận nước ngoài phải hiện diện Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp thương nhân nước ngoài không có mặt ở Việt Nam để thực hiện và hoàn thành các thủ tục theo quy định tại Thông tư này.
Vì thế, Petrolimex đề xuất được chấp nhận cấp C/O back to back với tên người xuất khẩu không cần phải có mặt ở Việt Nam khi làm thủ tục.
Ngoài ra, một vướng mắc khác là hiện nay, hải quan tỉnh Khánh Hòa chưa chấp nhận khai tên nước xuất khẩu theo C/O gốc cấp ban đầu dù chưa có hướng dẫn cụ thể khi đưa hàng form D từ nước ngoài vào VPT sau đó đưa tiếp vào nội địa Việt Nam.
Để giải quyết vướng mắc này, Petrolimex đề xuất Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan thống nhất hướng dẫn ghi nước xuất khẩu ngay trên C/O gốc lần đầu.
Ngoài thực hiện Hiệp định Việt Nam - Asean gặp vướng mắc, việc cấp C/O khi thực hiện Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc cũng khiến “ông lớn” xăng dầu vấp phải khó khăn khi thương nhân nước ngoài đưa hàng lô lớn vào kho và cấp ra từng lô nhỏ….
Trước đó, Petrolimex vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2015 với con số lãi “khủng” nhất từ trước tới nay. Năm 2015, tổng doanh thu thuần hợp nhất của tất cả các đơn vị thành viên Petrolimex trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, gas… là 146.549 tỷ đồng, bằng 70,9% so vớu cùng kỳ.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của tập đoàn này là 3.766 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế hoạt động kinh doanh xăng dầu là 1.989 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu cũng mang lại lợi nhuận cao, đạt 1.777 tỷ đồng. Giá dầu thô giảm mạnh là nguyên nhân giúp tập đoàn này lãi lớn.