Ông Trương Gia Bình: Khởi nghiệp "thất bại 10 ăn 1" là tỉ lệ toàn thế giới!
Ông Trương Gia Bình. Ảnh chụp từ clip buổi giao lưu sáng 03/10/2016. |
Tại buổi giao lưu trực tuyến với độc giả báo điện tử Vnexpress sáng 03/10/2016 về đề tài khởi nghiệp, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, cho rằng khát vọng start-up là khát vọng của lòng đam mê về công nghệ, đam mê ý tưởng và đam mê sáng tạo, đó chính là điểm xuất phát của những start-up thành công. Nhưng đam mê ấy sẽ không bao giờ thành công nếu nó không phục vụ cho cộng đồng.
Trả lời câu hỏi nên khởi nghiệp ở độ tuổi nào, ông Trương Gia Bình lấy ví dụ về hai nhà đồng sáng lập của Google là Larry Page và Sergey Brin, họ đều là những nghiên cứu sinh trẻ tuổi, trong một lần làm một bài toán về sắp xếp lại thư viện, họ đã ước mơ sắp xếp lại toàn bộ thông tin của thế giới. Nhưng sau một giai đoạn, họ phải mời Eric Smith, một người đã luống tuổi về để cùng cộng tác, đó là sự kết hợp giữa sự năng động, sáng tạo và quyết liệt của tuổi trẻ với kinh nghiệm cộng với kinh nghiệm của tuổi già.
“Nhưng nói chung, để bắt đầu khởi nghiệp thì tốt nhất nên bắt đầu từ khi còn trẻ, những ý tưởng phát kiến lớn nhất thường đến từ trước tuổi 35,” ông Trương Gia Bình nói.
Trả lời câu hỏi về trường hợp ông chủ chuỗi nhà hàng KFC khởi nghiệp khi đã sắp bước sang tuổi 70, và đến khi gần 80 tuổi mới trở thành tỷ phú. Ông Trương Gia Bình cho rằng cần làm rõ ranh giới giữa khái niệm khởi nghiệp và lập nghiệp. Lập nghiệp cũng có thể trở thành những doanh nghiệp cực kỳ lớn, nhưng đã nói đến start-up là nói đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nói đến đỉnh cao của khoa học công nghệ, nói đến những điều người ta chưa từng làm... Chẳng hạn, trước đây chẳng ai lại nghĩ rằng một hãng taxi lớn nhất thế giới lại không sở hữu chiếc taxi nào, nhưng thành công của Uber cũng là cơ hội cho các bạn trẻ khi nghĩ về start-up và kinh tế chia sẻ.
Lý giải về những trường hợp thất bại trong khởi nghiệp, ông Trương Gia Bình nói: “Khi đã dấn thân, các start-up không chỉ là một doanh nghiệp mà còn là doanh nghiệp tạo ra những giá trị mới có thể chưa từng có, do vậy tính mạo hiểm rất cao, nhưng khi thắng lợi thì bạn có thể trở thành Nguyễn Hà Đông. Cho nên tỷ lệ “10 ăn 1” là tỷ lệ của toàn thế giới và chúng ta hãy chấp nhận nhưng đừng sợ, cứ làm 10 lần thì chắc là sẽ thắng. Tôi may mắn 1 lần khởi nghiệp với FPT là thành công luôn, nhưng trong nội bộ FPT cũng đã có hàng trăm lần thử nghiệm rồi lại thất bại”.
Vốn để khởi nghiệp là một trong những nút thắt lớn, cá nhân ông Trương Gia Bình cũng từng làm dậy sóng với tuyên bố: “Khởi nghiệp thì đừng nghĩ đến tiền”. Trong buổi trả lời trực tuyến này, ông tái khẳng định câu nói đó khi cho rằng đã nói đến khởi nghiệp là nói đến đổi mới sáng tạo.
“Chỉ cần có ý tưởng thực sự xuất sắc và có khả năng thuyết phục thì sẽ có tiền, bởi các quỹ đầu tư đang thắp đuốc để đi tìm những ý tưởng đó. Ý tưởng không phải là một thứ hàng hóa để mua bán, nhưng khi ý tưởng kết hợp với con người thì hiển nhiên là “mua bán” được. Tức là để tìm được nguồn vốn, các bạn phải thể hiện được sự cháy bỏng, thuyết phục nhà đầu tư”.
Ông Bình cho rằng, những người đã từng trải qua nhiều lần thất bại sẽ có được những kinh nghiệm vô cùng quý báu. Với một người khởi nghiệp, điều quan trọng nhất là lòng đam mê. Nhưng cũng có rất nhiều người nói rằng “em rất đam mê”, nhưng lại rất lúng túng khi được hỏi đã dành bao nhiêu thời gian và đã làm gì cho đam mê đó.
“Phải xác định sẵn tâm lý rằng chúng ta khởi nghiệp và chúng ta sẽ thất bại, và chúng ta sẽ lại khởi nghiệp, rồi chúng ta lại tiếp tục thất bại, nhưng rồi chúng ta sẽ cất cánh bay lên. Mọi thất bại đều có giá trị bởi khi đã từng thất bại trong công nghệ sáng tạo thì chắc chắn bạn sẽ trở thành những chuyên gia cao cấp và sẽ được trả lương rất cao ở những công ty công nghệ”.
Trước việc một số start-up có xu hướng trở thành công ty ngoại ngay từ khi mới sinh ra, ông Trương Gia Bình cho rằng điều này là hoàn toàn bình thường. Giờ đây mọi thứ đều có thể chia sẻ, từ xe cộ, nhà ở…
Theo ông Bình, sáng tạo xuất phát từ lòng đam mê, tinh thần học hỏi, và từ sự bình an, phải có sự bình an trong nội tâm thì sáng tạo sẽ khởi phát. Trong khi đó, sợ hãi không phải là vấn đề, vấn đề là làm thế nào để vượt qua nỗi sợ, đối với start-up, vấn đề là đừng nghĩ quá nhiều mà hãy hành động nhanh chóng.
Chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của những người ở FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết: “Bất cứ ai khi gia nhập FPT đều có xuất phát là những người đồng nghiệp, rồi trở thành những người anh em sau quá trình làm việc, mà đã là anh em thì việc chăm lo cho người em là quan trọng nhất đối với tôi, thay vì chỉ chăm lo cho quyền lợi của FPT”.
“Đầu tiên là phải xem xem “người em” đó có đủ điều kiện để làm một start-up chưa, nếu có đủ thì tôi luôn khuyến khích để họ tách ra khởi nghiệp, nhưng tôi luôn kèm theo một câu: nếu thất bại thì FPT luôn mở rộng vòng tay đón em trở lại”.
Ông Trương Gia Bình chia sẻ, Fsoft từng có giai đoạn rất thiếu những nhân sự có kinh nghiệm 5-7 năm và chúng tôi đã đưa ra chương trình “bồ câu về tổ” để “quyến rũ” 400 con bồ câu, nhưng cũng chỉ được số ít “bồ câu” về tổ. Tôi tìm hiểu nguyên nhân thì được biết ở Fsoft hồi đấy với một guồng quay khủng khiếp thì anh em phát triển rất nhanh, nhưng sau 5-7 năm chiến đấu trong guồng máy đó thì kỹ năng dần mất đi nên “bồ câu” không “bay” về được.