Ông Phạm Văn Tam: "Chúng tôi không sai, Asanzo không trốn thuế!"
Tại cuộc họp về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ do Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 28/10, Tổng cục Hải quan đã đưa kết quả xác minh bước đầu vụ Asanzo.
ÔngPhạm Văn Tam,Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Asanzo |
Theo ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Asanzo và các công ty liên quan có 4 dấu hiệu vi phạm chính. Đó là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm về xuất xứ và trốn thuế.
Trước công bố của Tổng cục Hải quan, Chủ tịch công ty CP Tập đoàn Asanzo-Phạm Văn Tam đã lên tiếng về việc này.
Chia sẻ với PV Infonet, ông Tam nói: “Đó là dấu hiệu vi phạm, còn quan điểm của tôi là không có vi phạm”.
Theo ông Tam việc kết luận những vi phạm của Asanzo cần phải được chiếu vào những bộ luật cụ thể.
“Buổi họp hôm qua họ nêu ra để các bên có ý kiến như thế nào chứ cũng chưa kết luận. Còn tôi từ trước kia đã khẳng định là chúng tôi không có sai, tôi phải bảo vệ đến cùng quan điểm đã nói”, ông Tam nói.
“Về vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, bao nhiêu tháng nay báo chí, dư luận, ngay cả buổi họp hôm qua, Bộ Công Thương đã trả lời chưa có quyết định, còn cân nhắc. Còn về lừa dối người tiêu dùng thì hiện tại có ai bị lừa dối chưa? Người tiêu dùng đã bị thiệt hại chưa? Có đơn tố cáo của người tiêu dùng không? Nếu lừa dối người tiêu dùng vì hành vi quảng cáo thì không đúng. Nếu quảng cáo quá sự thật thì sẽ bị phạt về quảng cáo chứ không phải là lừa dối. Người ta mua sản phẩm của tôi giá còn rẻ gấp mấy lần công ty khác. Tôi không hề lừa dối”, ông Tam giải thích.
Cũng theo ông Tam, nếu nói quảng cáo thì doanh nghiệp nào cũng bị sai, chẳng hạn như mì gói quảng cáo tôm tươi nhưng thực chất có tôm đâu.
Đối với chúng tôi, người tiêu dùng là quan trọng nhất, không để người tiêu dùng bị thiệt, đặc biệt là chúng tôi phục vụ đối tượng người tiêu dùng là người nghèo. Chúng tôi luôn có trách nhiệm với sản phẩm.
“Còn liên quan đến trốn thuế, tôi khẳng định luôn là tôi không trốn thuế. Tôi đã đóng và khắc phục mười mấy tỷ rồi”, ông Tam cho hay.
Về tố cáo của công ty Sharp Việt Nam đối với Asanzo, ông Tam cho rằng đây là việc dân sự với nhau, ông không muốn công bố.
“Mình đã bị tổn thương về thương hiệu, công ty thì cũng chả cần thiết phải đi bào chữa nhiều việc đó. Vụ việc dân sự với nhau, Sharp có đồng ý với quan điểm mà tôi đã nói với họ hay không, còn nếu không họ kiện thì chúng tôi cũng phải chấp nhận thôi”, ông Tam nói.
Trước đó, tại cuộc họp về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ do Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 28/10, Tổng cục Hải quan đã đưa kết quả xác minh bước đầu nhưng chưa phải là kết luận cuối cùng. Theo đó, Hải quan đã chỉ ra 4 lỗi vi phạm của Asanzo gồm:
Về lừa dối người tiêu dùng: Tổng cục Hải quan cho biết quy trình lắp ráp một số sản phẩm không đúng như quảng cáo. Đối với quy trình lắp ti vi, Asanzo có 12 dãy bàn với chiều dài khoảng 30m, rộng 1,5m (diện tích 45m2), mỗi bàn để vừa 1 cái ti vi 50 inch, 1 phòng test bảng mạch với 8 máy tính và 8 người làm việc. Việc lắp ráp được thực hiện thủ công bằng cách bắt vít, không lắp cấu hình chính. Dãy bàn này vừa lắp ti vi, vừa lắp điều hòa nhiệt độ. Lắp 1 cái ti vi cần 12 người và 30 người phụ trợ với thời gian lắp là 25 phút.
Quy trình lắp ráp ấm đun nước siêu tốc, tương tự ti vi và điều hòa nhiệt độ, các hoạt động chủ yếu là lắp ráp các bộ phận có sẵn để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Đối chiếu với quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng có hình ảnh dây chuyền lắp ráp ti vi bằng máy móc, thiết bị hiện đại, với thực tế tại cơ sở sản xuất của công ty cho thấy thực tế hoạt động lắp ráp không đúng như quảng cáo.
Việc dùng cụm từ “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” của Asanzo, đúng như tố cáo của Công ty Sharp Việt Nam.
Vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu: kiểm tra 3 tờ khai xuất khẩu của Công ty CP Đầu tư công nghệ điện tử Asanzo xuất khẩu 661 chiếc tivi nhãn hiệu Asanzo các loại và các bộ phận đi kèm, thì thấy mặt hàng ti vi chỉ lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh thì không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam (theo quy định tại Nghị định 31/2008/NĐ-CP).
Theo kết quả kiểm tra, xác minh của Tổng cục Quản lý thị trường, tỷ lệ nguyên vật liệu chính/chi phí giá thành chiếm 98-99% giá trị gia tăng tạo ra sau quá trình lắp ráp rất thấp, chỉ chiếm 1-2% trong tổng chi phí giá thành sản phẩm.
Đối với hàng hóa tiêu thụ trong nước, Công ty CP Tập đoàn Asanzo không tự sản xuất và nhập khẩu linh kiện mà mua từ các công ty trong nước để lắp ráp các thành phẩm. Linh kiện mua trong nước gồm các linh kiện có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc và từ các nguồn khác.
Về trốn thuế: Cục Thuế TP.HCM chỉ rõ sai phạm của Asanzo như: khai thuế GTGT đầu ra, thuế GTGT đầu vào khấu trừ không đúng quy định; kê khai chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế không đúng quy định; bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn…
Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: Công ty TNHH đầu tư sản xuất Phương Nguyên Asanzo nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc về Việt Nam là hành vi nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan dẫn Bản án số 01 ngày 9/1/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm công khai việc “tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” giữa Công ty Đông Phương và Công ty CP Điện tử Asanzo để xác định rằng việc sử dụng nhãn hiệu Asanzo và các nội dung khác của Công ty CP Điện tử Asanzo là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.