Ông Nguyễn Trần Nam: Tôi rất chán khi vào một số chung cư
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chính sách nhà ở của Việt Nam đang đối diện với áp lực tăng trưởng dân số lớn, đặc biệt tốc độ phát triển dân số đô thị cao và quy mô hộ gia đình ngày càng có xu hướng giảm số người trên một hộ dân.
Dự báo đến năm 2020, dân số thành thị sẽ lên đến 46 triệu, tương đương khoảng 45% dân số cả nước. Ước tính trong vòng 10 năm tới, tổng nhu cầu nhà mới có thể lên đến 5,1 triệu căn trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam |
Tại Hội thảo Công trình xanh cho phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình, ông Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, kiến trúc xanh là xu thế tất yếu mà loài người phải hướng đến nhằm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ con người.
Tuy nhiên, xây dựng công trình xanh khởi xướng năm 2007, đến nay có 60 công trình xây dựng được các tổ chức quốc tế, trong nước chứng nhận.
Thứ trưởng cho biết, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Đặc biệt là năng lượng sử dụng trong xây dựng và các hộ gia đình chiếm 37% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Mức độ ảnh hưởng của ngành xây dựng là rất lớn trong khi áp lực gia tăng dân số ngày càng cao.
“Nhà ở giá thấp và trung bình chưa được quan tâm ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng, trong khi đây là phân khúc có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất”, Thứ trưởng cho biết.
Ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng Nhà nước, doanh nghiệp, dân đều biết công trình xanh nhưng chỉ nghĩ phiến diện rằng “công trình xanh nghĩa là có nhiều cây xanh”.
Theo ông, xanh ở đây là đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, nước, vật liệu… đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng, giảm thiểu chất thải độc hại cho môi trường. Đó là tiêu chí chung, để có thể cấp chứng nhận cho công trình xanh phải có con số, định lượng hóa cụ thể.
“Thăm một số tòa nhà không thấy xanh tí nào, nắng chiếu thẳng trực tiếp vào căn phòng, kính mỏng dính, tường không cách âm… Tôi rất buồn, rất chán khi vào nhiều căn hộ chung cư, những căn hộ thiết kế mới nhưng phải thắp điện 24/24 mặc dù chúng ta là nước nhiệt đới, ánh nắng thừa. Khâu nhận thức thiết kế còn đang hạn chế”, nguyên Thứ trưởng chỉ ra.
Ông Nam cho biết, ở Việt Nam, mỗi năm xây dựng mới 100 triệu m2 nhà ở (chưa kể hơn 1 tỷ m2 nhà ở hiện hành), mỗi m2 nhà ở tiêu hao 120 kWh điện/năm, đặc biệt là ở văn phòng, ở TP.HCM mức tiêu hao rất nhiều. Cách đây khoảng 10 năm thì con số này chỉ khoảng 50 kWh.
Theo ông, nếu triển khai theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng thì mỗi mét vuông nhà ở thành thị sẽ tiết kiệm được 60 kWh/m2/năm.
Trước quan niệm cho rằng chi phí sẽ đội lên nhiều do công trình xanh, bà Vũ Thị Kim Thoa- Trưởng đoàn Tư vấn của Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam phản bác: “Công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Lợi ích rõ ràng của công trình xanh là giảm chi phí vận hành, làm gia tăng giá trị tài sản, hoàn vốn đầu tư nhanh”.
Ông Trần Như Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô cho biết với những giải pháp công trình xanh đang áp dụng khi đầu tư pin năng lượng mặt trời khiến chi phí phụ trội 3%. Chủ đầu tư chấp nhận giảm lợi nhuận để người dân không phải trả thêm tiền về chi phí tăng và được giảm tiền điện chiếu sáng trong quá trình vận hành tòa nhà.
Đại diện Hội đồng xanh cũng cho rằng làm công trình xanh có thể chi phí tăng thêm nhưng không quá nhiều như mọi người nghĩ. Cao hay không cũng do cách làm.
Ông Greges Reimann- giám đốc điều hành IEN Consultans Đan Mạch- Malaysia cũng cho rằng: Đầu tư vào công trình xanh không hề tốn kém, trong khi đó chi phi vận hành tòa nhà sẽ thấp đi. Như tại các dự án thực hiện ở Malaysia có thể hoàn vốn trong vòng 3 năm.
Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng xu thế công trình xanh là xu thế tất yếu mà Việt Nam phải làm. Hiện nay Việt Nam đang đi sau các nước trong khu vực và trên thế giới. Thay vì Chính phủ điều chỉnh sơ đồ điện VI, VII; nhập 60 triệu tấn than mỗi năm, mỗi năm đốt hàng chục triệu tấn than, thải ra môi trường hàng chục triệu tấn co2, thải ra 20- 30 triệu tấn tro xỉ…Thay vì bỏ tiền tăng sản lượng điện mà bằng cách tiết kiệm điện, dùng thiết kế như gạch không nung, kính đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn…Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ công trình đạt tiêu chí xanh.
“Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, thay vì bỏ tiền đầu tư nhà máy điện, nhập khẩu than, vay ODA thì giờ tiết kiệm điện bằng cách hỗ trợ cho các chủ đầu tư có công trình xanh”, ông Nam đề xuất.