Ông Nguyễn Trần Nam nói "lời gan ruột" với DN bất động sản
Chia sẻ tại Diễn đàn xu hướng đầu tư bất động sản 2019 sáng 16/5, ông Nguyễn Trần Nam – nguyên Thứ Trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường BĐS gần đây có sự giảm sút. Cụ thể, theo thống kê mới đây, tại TP HCM, số lượng giấy phép xây dựng giảm 16%, có 150 dự án bị dừng lại kiểm tra rà soát.
Chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp hiện nay phải là thế “phòng ngự” chứ không thể tấn công được, phòng ngự giữ cho an toàn... |
Ông Nam dẫn chứng, theo một báo cáo tổng hợp mới đây của Hội môi giới BĐS, lượng hàng hóa về nhà cửa chung cư, căn hộ biệt thự tại Hà Nội và TP HCM đưa ra thị trường đã giảm chỉ còn khoảng 70% so với quý 4/2018.
“Đã có một số đánh giá cho rằng 4 tháng cuối năm sẽ tốt hơn nhưng theo tôi trong bối cảnh hiện nay sẽ rất khó theo hướng như vậy”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nam, điểm mạnh nhất của thị trường BĐS Việt Nam là sức cầu và thanh khoản rất lớn. Thống kê của Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra rằng, những nước người dân có thu nhập trung bình từ 1000 -10.000 USD thường dành tiền để mua nhà và Việt Nam lại đang nằm trong khoảng đó.
Ông Nam khuyên các doanh nghiệp: Các thủ tục về dự án bây giờ phải hết sức chặt chẽ hãy triển khai, hãy bán hàng, không còn cái thời làm liều, làm ẩu rồi phạt cho tồn tại nữa.... |
“Thị trường của chúng ta về trung và dài hạn sẽ rất tốt, tốc độ đô thị hóa còn độ mở rất lớn. Theo tính toán, trung bình mỗi năm có 1 triệu người chuyển từ khu vực nông thông sang các khu đô thị. Tâm lý người dân thích dành dụm mua nhà. Điều quan trọng là cung ứng được cho cầu này một cách có chất lượng” - ông Nam nhìn nhận.
Ông Nam đặt câu hỏi: “Tại sao thị trường BĐS đang phát triển tốt từ 2014 đến 2018 nhưng sang đầu năm 2019 lại giảm? BĐS thì cần tiền và đất nhưng cả hai đều giảm”.
Theo ông Nam, đang có sự lo lắng về bong bóng BĐS, do đó Chính phủ đã có những bước đi hạn chế nguồn tín dụng vào BĐS, dự báo sắp tới sẽ còn siết chặt hơn nữa.
Đặc biệt, thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn và cho vay dài hạn từ 60% xuống 40% trong vòng 2 năm, từ tháng 1/2019 tỷ lệ này đã giảm tới 40%. Trong khi đó, lại tăng tỷ lệ an toàn trong vay BĐS từ 150% lên 250%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào BĐS giảm và bắt đầu giảm từ cuối 2018. Mặt khác, đất về quy hoạch, đền bù… đều bị siết chặt trong khi sức mua của dân lại vẫn rất mạnh.
Phân tích hai xu hướng đầu tư không tích cực trong thị trường BĐS gần đây, ông Nam cho biết, thứ nhất là xu hướng đầu tư vào mua đất ồ ạt, khiến đất sốt ở các khu vực Mũi Né, Vân Đồn, Phú Quốc.
Ông Nam phân tích, 1 đồng đầu tư vào BĐS kéo theo 2,5 đồng vật liệu xây dựng và hàng nghìn mặt hàng… Như vậy, mua đất là “chôn tiền” vào đất. Do đó phải hạn chế mua đất, chứ không phải hạn chế mua nhà.
Thứ hai, xu hướng sự bùng nổ của BĐS địa phương. Các nhà đầu tư đầu tư BĐS lao về các tỉnh, thành nhưng về các tỉnh có biển như: Hải Phòng, Hưng Yên…
“Ở đây, đất rẻ, thủ tục dễ, lãnh địa phương chào mời nhưng thị trường không có, đất đai mua “ngâm” ở đấy. Do đó cần có xử lý và lường trước khó khăn. Thế của chúng ta hiện nay phải là thế “phòng ngự” chứ không thể tấn công được, không xung phong được đâu, phòng ngự giữ cho an toàn”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, trong bối cảnh tiền ít, hàng hóa không có, sức mua tốt, doanh nghiệp BĐS làm sao giữ sức, thậm chí chiến đấu. Lòng tin của người dân, người đầu tư vào thị trường BĐS kiểu gì cũng phần giảm sút, do đó làm sao cần giữ được lòng tin của người đầu tư tức người mua nhà.
“Các thủ tục về dự án bây giờ phải hết sức chặt chẽ hãy triển khai, hãy bán hàng, tuân thủ đúng quy hoạch về chỉ giới, chiều cao, công năng; đừng có vì “tham bát bỏ mâm”, thêm được 1-2 tầng thì cả dự án đình trệ. Không còn cái thời làm liều, làm ẩu rồi phạt cho tồn tại nữa đâu…:, ông Nam nhấn mạnh.