Ông Nguyễn Đăng Quang: Từ bán mì gói đến tỷ phú USD đứng thứ 3 Việt Nam
Nếu như ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup từng nổi tiếng với mì tôm tại Ukraine thì ông Nguyễn Đăng Quang cùng các thành viên khác của Tập đoàn Masan nổi tiếng với mì gói tại Nga.
Trong số những doanh nghiệp thành công với mì tôm tại Đông Âu thì hiện chỉ có Tập đoàn Masan là tiếp tục kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam (mì Omachi, Tiến Vua là những sản phẩm của Masan).
Tỷ phú USD nắm 10 cổ phiếu
Bloomberg sáng 19/1 có đăng tải bài viết với tiêu đề "Nước mắm giúp sản sinh tỷ phú USD mới nhất của Việt Nam". Theo đó, Bloomberg đặt biệt danh cho ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang là "ông trùm" hàng tiêu dùng Việt Nam và nhấn mạnh con đường trở thành tỷ phú của vị doanh nhân này dựa trên mục tiêu đưa nước mắm và các đồ gia vị "bắt buộc phải có" vào trong căn bếp của mọi hộ gia đình Việt.
Ông Nguyễn Đăng Quang được Blooberg đặt biệt danh là "ông trùm hàng tiêu dùng" Việt Nam |
Chỉ trong vòng 6 tháng, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đã tăng gấp đôi so với mức tăng trưởng 37% của VN Index. Tốc độ tăng giá cổ phiếu chóng mặt đã nâng giá trị tài sản ròng của Chủ tịch Masan lên mức 1,2 tỷ USD - theo dữ liệu của xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tuy chỉ nắm giữ 10 cổ phiếu của tập đoàn Masan, nhưng vẫn được coi là ông chủ thực sự, dựa trên vị thế là là cổ đông chính của của Công ty Cổ phần Masan (Masan Corp) - công ty đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của Masan Group.
Sau tỷ phú bất động sản và bán lẻ Phạm Nhật Vượng, tỷ phú hàng không và ngân hàng Nguyễn Thị Phương Thảo, Việt Nam đã có tỷ phú USD thứ 3 là Nguyễn Đăng Quang - tỷ phú trong ngành thực phẩm.
Điều đáng chú ý là tài sản của cả chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và nữ CEO Vietjet Phương Thảo trong lần đầu lọt vào danh sách tỷ phú thế giới đều được ước định ở mức 1,2 tỷ USD.
Hai lần khởi nghiệp ở nước ngoài
Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963 ở Quảng Trị, có bằng tiến sĩ Vật lý hạt nhân, có thời gian dài học tập và sinh sống ở Đông Âu. Hiện ông Quang vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của Tập đoàn Masan. Ngoài ra, ông còn là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Techcombank, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.
Ông Quang bắt đầu khởi nghiệp từ những năm 1990 sau thời gian học tập tại Nga thông qua việc bán mì gói cho những người Việt sinh sống tại đây. Công việc kinh doanh thuận lợi đã giúp ông Quang xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 30 triệu gói mì mỗi tháng và sau đó mở rộng đầu tư sang đậu nành, cá và tương ớt.
Trong lịch sử phát triển của Masan, mì ăn liền có thể xem là anh cả. Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang của Tập đoàn Masan được giới truyền thông gọi là “người dạy người Nga dùng mì gói và tương ớt” khi những lô mì gói đầu tiên của ông đã thành công trên thị trường Nga cách đây khoảng 20 năm.
Đến năm 2002, ông Quang đưa Masan trở về quê nhà bằng việc tung ra thị trường sản phẩm đầu tiên: nước tương Chin-su. Sang năm 2003 thì bắt đầu có thêm nước mắm Chin-su. Đến năm 2007, Masan mới bắt đầu đánh chiếm thị trường mì gòi bằng sản phẩm Omachi.
Cuối năm 2015, Masan ký kết đối tác chiến lược với Singha (Singha Asia Holding Pte Ltd) của Thái Lankèm theo tuyên bố sẽ mở rộng thị trường kinh doanh thực phẩm và đồ uống ra các nước ASEAN.
Theo giao dịch giữa hai bên, Masan nhận 1,1 tỷ USD, còn Singha được sở hữu 25% cổ phần Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần Masan Brewery. Singha cũng là tập đoàn từng dành sự quan tâm tới việc mua cổ phần của Sabeco.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài rót một lượng vốn khổng lồ vào Masan không còn lạ nhưng tuyên bố sẽ tiến vào thị trường 250 triệu người tiêu dùng ở các nước "In-land ASEAN" sau ký kết với Singha là điều mới.
Cuối tháng 9/2016, chỉ trong vòng 9 tháng kể từ ngày hợp đồng với Singha được ký, Masan tung sản phẩm nước mắm với tên gọi "Chin-Su Yod Thong" cho thị trường Thái Lan.
Nước mắm Chin-Su Yod Thong tại quán ăn ở Bangkok, Thái Lan.
Không giống như việc đưa mì gói, tương ớt xuất khẩu vào Nga hàng chục năm trước, việc xuất khẩu Chin-Su Yod Thong vào Thái Lan đồng nghĩa với việc Masan phải đương đầu với hàng trăm sản phẩm cùng loại ở "thủ phủ của nước mắm".
Ngày 3/10 là ngày đầu tiên Masan bán sản phẩm mắm Chin-Su Yod Thong trên đất Thái sau 7 tháng tìm hiểu khẩu vị, nghiên cứu thị trường.
Bên cạnh trụ cột Masan Consumer, tập đoàn của ông Quang còn có hàng loạt các doanh nghiệp đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận của Masan Group như: Masan Resources (với Mỏ Núi Pháo), Masan Agri, Proconco, Vinacafé Biên Hòa, Masan Food (chuyên sản xuất nước chấm, mì gói), Bia Phú Yên...
Dù có quyền lực rất lớn tại “đế chế” Masan nhưng tài sản của doanh nhân kín tiếng Nguyễn Đăng Quang nhiều năm nay vẫn được giới đầu tư cho là khó thống kê. Lý do có lẽ là bởi vì ông đầu tư vào nhiều doanh nghiệp, nắm giữ theo cả kiểu cha-con, liên kết, cho tới mạng lưới đan xen và nắm giữ thông qua những người liên quan như vợ con nhưng ở những doanh nghiệp niêm yết trên sàn thì ông gần như không nằm giữ cổ phiếu nào.
Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên 2017 của Masan, ông Nguyễn Đăng Quang liên tục đưa ra hình tượng của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long để minh họa cho chiến lược của công ty. Ông Quang cho rằng Lý Tiểu Long không có nhiều lợi thế về sức vóc và cơ bắp nhưng thường chiến thắng bằng cách lựa chọn đúng giá trị của bản thân.
Lãnh đạo Masan cho biết ông rất thích câu nói của nhân vật này: “Chiến binh bất khả chiến bại cũng chỉ là một người bình thường, nhưng họ có sự tập trung cao độ. Hãy luôn là chính bạn, thể hiện bạn thân bạn, có niềm tin vào chính bạn đừng hình tượng hóa một cá nhân thành công nào và cố gắng bắt chước họ".
Nguồn: nhadautu.vn