Ông lớn Uniqlo sắp khai trương, thương hiệu thời trang Việt sẽ thêm phần "thất thế"?
Ngày 6/12, cửa hàng Uniqlo sẽ chính thức khai trương tại thị trường Việt Nam, nối gót H&M, Zara... Trong khi các thương hiệu thời trang trong nước vật vã tìm cách trụ lại thị trường, sự đổ bộ của những thương hiệu thời trang quốc tế vào Việt Nam gần đây nhanh chóng được chào đón nồng nhiệt.
Các ông lớn thời trang ngoại đang ăn nên làm ra
Hiện tại, các thương hiệu nước ngoài đang khuấy động thị trường thời trang Việt, ước tính trị giá hơn 3 tỉ USD/năm. Theo báo cáo tài chính của Zara Việt Nam, chỉ với hai cửa hàng tại Hà Nội và TP HCM, doanh thu của thương hiệu này năm 2018 đã vượt 1.700 tỷ đồng, cao hơn cả những chuỗi bán lẻ thời trang cao cấp.
Trong khi đó, với việc mở mới 4 cửa hàng, H&M nâng doanh thu lên hơn 653 tỷ đồng trong năm tài chính 2018, gấp 4,3 lần năm 2017. Như vậy, có thể mỗi ngày, người Việt chi khoảng 1,8 tỷ đồng để mua quần áo thương hiệu này. “2018 là một năm thật tuyệt vời với H&M tại Việt Nam. Là một thị trường trẻ trung và phát triển không ngừng, Việt Nam đã mang đến những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung của chúng tôi tại khu vực Đông Nam Á”, ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á nhận định.
Trái với sự thắng thế lớn của các thương hiệu thời trang ngoại thì các thương hiệu thời trang Việt Nam lại đang chật vật. Nhắc đến các thương hiệu Việt không thể nào bỏ qua các thương hiệu đình đám như, Foci (Công ty Thời trang Nguyên Tâm), NinoMax (Công ty thời trang Việt), BlueExchange (Công ty thời trang Xanh cơ bản), PT2000 (Công ty May Phạm Tường 2000)… Trong số này, Foci đã phải rời cuộc chơi, các thương hiệu còn vẫn tồn tại nhưng gặp nhiều khó khăn.
Riêng với thương hiệu Foci, vào cuối năm 2012, khi tuyên bố rút khỏi thị trường, chủ doanh nghiệp khi đó lý giải là đó là do “gặp khó vì sức mua giảm, không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ”.
Những thương hiệu thời trang Việt và số lượng cửa hàng. Nguồn:qandme.net |
Một số thương hiệu thời trang khác được xem là có chỗ đứng trên thị trường như May 10, Việt Tiến, An Phước… lại chỉ tập trung ở phân khúc khá hẹp, thời trang công sở.
Lý giải về một trong những lý do các thương hiệu thời trang Việt ngày càng lép vế, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) từng chia sẻ với truyền thông rằng, “Cần tiền và bản sắc riêng”. Nhưng theo các chuyên gia, các thương hiệu thời trang Việt còn gặp nhiều khó khăn khác nữa.
Lý do cho sự "thất thế" của các thương hiệu thời trang Việt
Cụ thể, sau một thời gian phát triển ồ ạt, giới phân tích cho rằng các thương hiệu Việt đuối sức khi không nắm bắt xu thế thiết kế mới, không đem lại trải nghiệm phong cách cho người tiêu dùng, không thay đổi cách quảng bá sản phẩm...Trong khi đó, Zara và H&M luôn có thể tiết giảm giảm chi phí, hạ giá thành nhằm tăng áp lực cạnh tranh với các thương hiệu khác.
Ngoài ra, giá thuê mặt bằng cũng là vấn đề gây đau đầu. Trong một lần chia sẻ với truyền thông, bà Cổ Huệ Anh, người sáng lập của Hnoss từng cho biết, có nhiều nguyên nhân cho các thương hiệu tầm trung gặp quá nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh doanh hiện nay. Trong số này, “đau đầu nhất” là mặt bằng. Giá thuê mặt bằng để mở cửa hàng tại các thành phố lớn như TP.HCM trong thời gian qua đã tăng 2-3 lần so với hai năm trước đây.
Đồng quan điểm với bà Anh, ông Yukihiro Katsuta, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Fast Retailing, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Uniqlo, vừa phát biểu trong một sự kiện ra mắt thị trường Việt Nam ngày 14/11, rằng: "Giá bất động sản Việt Nam hiện nay tăng rất cao. Do đó, để tìm được một nơi có vị trí đắc địa, diện tích phù hợp và giá cả phải chăng quá khó".
Bên cạnh vấn đề mặt bằng, chi phí ở kênh trực tuyến (online) cũng không ngừng tăng. Giám đốc một chuỗi thời trang Việt dành cho tuổi teen nhận định, “Trước đây, có thể chỉ mất vài chục đồng để tiếp cận một khách hàng thì hiện nay có thể lên tới 500 đồng, thậm chí là 2.000-3.000 đồng vào những dịp cao điểm khuyến mãi. Nói chung, tổng chi phí cho kênh này hiện nay đã chiếm tới 35-40% giá trị đơn hàng, nghĩa là bán được một cái đầm 500.000 đồng thì đã phải bỏ ra gần 200.000 đồng để quảng cáo, tiếp thị, giao nhận các kiểu”.
Một chuyên gia phân tích nhận định, việc các ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang tầm trung của nước ngoài tham gia vào thị trường thời trang Việt sẽ khiến các doanh nghiệp thời trang nội thêm phần áp lực....Các thương hiệu này có điểm mạnh về nắm bắt xu hướng, tức vừa nghiên cứu thị trường vừa thiết kế phù hợp thị hiếu. Điều này tấn công trực tiếp vào tư duy tiêu dùng của người Việt, vì thương hiệu phổ biến, chất lượng và giá cả phải chăng...