Ông Đoàn Văn Vươn “đánh bạc với giời” (kỳ 2)
Đầm đã đắp như hiện trạng từ năm 1993
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc phá rừng, lấn đầm của ông Vươn khi đắp 21ha đầm được giao, ông Nguyễn Đình Đạt bức xúc: “Chính thằng Vươn làm đầm mới uốn cái dòng chảy, giúp cho khu vực đó bồi lớn như thế. Cái đê quốc gia bây giờ nhìn thì nó quá to, nhưng khi tôi xuống làm nó nhỏ lắm, đi xe máy còn ngã gãy cẳng. Nếu không có cái đầm của thằng Vươn chắn ở ngoài thì cái đê ấy chắc cũng không ổn. Cho nên tôi nói là cả huyện Tiên Lãng đáng lẽ phải cám ơn thằng Vươn”.
Ông Đạt khẳng định: “Việc mới đây “ai đó” nói rằng Vươn đã chặt phá một số cây và lấn chiếm để có thêm 19,3ha là không đúng, bởi hiện trạng khu đầm hiện nay đã được chúng tôi đắp từ năm 1993”.
Năm 2008 gia đình ông Vươn vẫn phải bỏ công tôn tạo bờ đầm, nhiều chỗ còn phải kè đá |
Sợ ông nhớ nhầm, chúng tôi đã nói rõ về diện tích của hai đầm và hỏi lại ông về hiện trạng diện tích đất mà gia đình ông Vươn được giao đầu tư, khai thác, ông Đạt quả quyết: “Tôi không biết cụ thể là bao nhiêu héc-ta, nhưng hiện trạng toàn bộ khu đầm mà gia đình Vươn đang quản lý hiện nay (40,3ha) chúng tôi đã đắp từ năm 1993. Năm 2001, 2002 khi vá bờ đầm bị vỡ, chúng tôi mới đắp thêm bờ ngăn làm hai khu”.
“Lúc đó, ở gần con đê quốc gia chỉ lơ thơ vài cây, còn phía ngoài mênh mông nước, chứ có gì đâu. Cây phía ngoài đầm là do Vươn nó trồng”, ông Đạt cho biết thêm.
Tình người “khổ chủ” – “khổ nợ”
Ông Đạt cho biết, tuy quá trình đắp đầm cho ông Vươn đã lâu nhưng thỉnh thoảng ông vẫn qua lại cống Rộc, đến thăm đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Vươn. Ông kể, dịp đầu năm mới Nhâm Thìn 2012, khi con ông Vươn bị nạn, chính ông đã lái xe ô tô riêng chở vợ, con ông Vươn từ Hải Dương về Tiên Lãng. “Về đến Tiên Lãng, trong túi tôi còn hơn một triệu, thấy gia cảnh nhà nó khó khăn, tôi đưa cho cái Thương (vợ ông Vươn) bảo mua thuốc cho cháu và chỉ giữ mấy trăm nghìn để đề phòng bất chắc khi lái xe về lại Hải Dương”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đạt không ngại ngần thừa nhận rất “nể” anh Vươn về sự quyết tâm cùng những sáng kiến trong quá trình làm đầm: “Lúc đó, do bờ đầm mới đắp khó vững trước sóng biển, tôi nêu ý kiến dùng bạt chắn, nhưng Vươn bảo “chú cứ yên tâm, cháu đã có cách”. Thế rồi, Vươn cặm cụi ngồi băm cỏ, ủ cho lên mầm và rắc lên hai bên bờ đầm, dùng lưới phủ lên trên bảo vệ đến khi cỏ mọc xanh để giữ đất”.
Ông Đạt còn cho biết, trong hoàn cảnh khốn khó “không có tiền, ai làm cho” nên khi biết nhóm thợ của ông đang làm cho công trình cách cống Rộc mấy ki-lô-mét, ông Vươn đã cởi trần bơi đến để “cầu cứu” ông “vá” giúp khúc bờ đầm bị vỡ. Ông bảo, “tôi thấy nó là người quyết chí, sống đàng hoàng. Khi ấy tôi không giúp thì cũng chẳng ai nhận làm, nên cũng phải cố thôi”. Ông Đạt xót xa nhớ lại: “Khi thanh toán tiền năm 1994, tôi thấy bà cụ mẹ Vươn lấy cả những cọc tiền lẻ buộc bằng dây rơm”.
Khi có mặt ở cống Rộc, đem những chuyện đã trao đổi với ông Đạt hỏi lại, vợ ông Vươn (bà Nguyễn Thị Thương) cảm động nói: “Những chuyện ấy các anh cũng biết à? Ông Đạt nói đúng đấy. Trên nhà ông tốt với gia đình tôi lắm”.
Trở lại câu chuyện về quá trình lấn biển, đầu tư nuôi trồng thủy sản của anh Vươn, ông Nguyễn Đình Đạt lắc đầu “Tôi xem báo, thấy có ai đó nói rằng thằng Vươn không có công gì ở đấy là quá bất công”. Rồi, ông kể tiếp về những nỗi cơ cực cũng như cảm nhận, đánh giá của ông đối với “khổ nợ” Đoàn Văn Vươn. Theo ông, việc làm cách đây gần 20 năm của ông Vươn như là “đánh bạc với trời”, sự hy sinh mất mát của gia đình ông Vươn trong thời gian qua là rất lớn. Và rằng, vì tình cảm, vì tin tưởng vào con người của ông Vươn mà ông và gia đình ông sẵn sàng chia sẻ, cưu mang.
Ông Đoàn Văn Vươn (áo trắng) bên bờ đầm nuôi trồng thủy sản của mình năm 2008 |
Chỉ vào ngôi nhà của mình, ông nói: “Ngôi nhà này tôi làm năm 2003. Khi làm, cứ nghĩ Vươn nó trả nợ được phần nào, nhưng không có, nó khổ lắm. Biết vậy nhưng trong lúc quá khó khăn, tôi bảo Vươn “chú không đòi nợ, nhưng mày xem có chỗ nào vay được thì vay giúp chú 200 triệu, chú sẽ trả lãi đàng hoàng. Nói vậy, nhưng khi thấy gia cảnh thực của Vươn, tôi lại tự thu xếp”.
Qua câu chuyện, ông Đạt tâm sự, lâu nay vẫn rất quan tâm, theo dõi qua đài, báo, nhưng “chỉ biết thương anh em nó và mong người ta xem xét thấu đáo mọi chuyện đúng với đạo lý, pháp luật”.
Tạm biệt vợ chồng ông Nguyễn Đình Đạt – “những người có tấm lòng Bồ tát với gia đình ông Vươn”, chúng tôi trở về mà trong lòng mãi ẩn ức với nói của ông lúc chia tay “Cần sống và làm những gì đúng với lương tâm của một con người!”.