Ông chủ và cổ đông Masan mất hơn 2,6 nghìn tỷ sau "cuộc chiến nước mắm"
Quan sát diễn biến giá cổ phiếu MSN, có thể thấy cổ phiếu này có tới 16 phiên giảm giá, 8 phiên đứng giá và chỉ có 2 phiên tăng giá, tính từ ngày 03/10 đến phiên gần nhất ngày 07/11/2016. Cụ thể, MSN đã giảm 5.300 đồng (7,53%) trong thời gian này khi về mức giá 65.000 đồng/cổ phiếu.
Theo thống kê của Infonet, với 745.876.243 cổ phiếu đang lưu hành, tổng tài sản của toàn bộ cổ đông Masan Group đã “bay hơi” 3.953 tỷ đồng kể từ đầu tháng 10 đến nay, tương đương mức giảm 7,53% nếu tính theo thị giá ngày 07/11.
Riêng tài sản của gia đình Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang cũng đã giảm 1.444 tỷ đồng trong thời gian này khi ông sở hữu tới 272.525.344 cổ phiếu MSN, tương đương 36,5% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. Với mức giảm này, tài sản của gia đình ông Quang tại MSN hiện đang là 17.714 tỷ đồng.
Cụ thể, tài sản của cá nhân ông Nguyễn Đăng Quang sở hữu gián tiếp 242.921.247 cổ phiếu MSN (32,53%) thông qua công ty Masan Corp, giảm 1.287 tỷ đồng, còn 15.789 tỷ đồng. Vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến sở hữu 28.276.823 cổ phiếu MSN (3,79%), giảm 150 tỷ đồng, còn 1.838 tỷ đồng. Bà Nguyễn Quý Định, mẹ ông Quang sở hữu 1.327.264 cổ phiếu MSN (0,2%), giảm 7 tỷ đồng, còn 86,27 tỷ đồng.
Nếu tính từ mốc thời gian 10/10 đến nay, là thời điểm scandal nước chấm thực sự diễn ra, tổng tài sản của toàn bộ cổ đông Masan Group cũng đã giảm 2.610 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 5,10%. Trong đó, gia đình Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang với lượng cổ phiếu nắm giữ kể trên cũng mất đi 953,83 tỷ đồng.
Cụ thể, tài sản của ông Quang (thông qua Masan Corp) giảm 850,22 tỷ đồng; bà Nguyễn Hoàng Yến giảm 99 tỷ đồng; và bà Nguyễn Quý Định giảm 4,64 tỷ đồng.
Trái ngược với xu hướng rớt giá của cổ phiếu MSN, Masan Group mới đây công bố kết quả kinh doanh quý 3 khiến không ít “đại gia” thèm muốn.
Cụ thể, doanh thu thuần của Masan Group đạt 11.006 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 813 tỷ đồng, tăng mạnh 268,3%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Masan Group tăng 57,6% so với cùng kỳ lên 30.148 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 216,2% so với cùng kỳ lên 1.847 tỷ đồng.
Ngành hàng tiêu dùng đem lại doanh thu chủ yếu cho Masan. |
Tính riêng trong quý 3, doanh thu mảng hàng tiêu dùng đến từ Masan Consumer đạt 3.297 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 684 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Masan Consumer đạt 9.101 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.646 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ do chi phí bán hàng và quản lý tăng.
Trong quý 3, doanh thu thuần của mảng khai thác khoáng sản từ Masan Resources tăng mạnh 185,1% so với cùng kỳ, đạt 1.062 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 8,3% so với cùng kỳ là 36 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm của Masan Resources đạt 2.807 tỷ đồng, tăng 78,5% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ doanh thu từ vonfram tăng mạnh 196,3% so với cùng kỳ đạt 1.655 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thực tế tăng 52,7% so với cùng kỳ đạt 110 tỷ đồng nhưng do mức phân bổ lớn lợi nhuận sau thuế cho cổ đông thiểu số (là liên doanh giữa MSR và H.C.Starck), lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ là 106 tỷ đồng.
Được biết, để mua lại 20,04% cổ phần tại Masan Resources thuộc sở hữu của MRC Limited, Masan Group dự kiến sử dụng nguồn vốn kết hợp từ 35 triệu USD vốn vay trong vòng 2 năm, phát hành 12 triệu cổ phiếu MSN với giá 95.000đ/cp và tiền mặt 14-15 triệu USD.