Ô tô nhập ngoại sẽ bị áp cách tính thuế mới
Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết tại cuộc họp thường kỳ 6 tháng diễn ra chiều 30/6.
Đổi cách tính thuế TTĐB với xe nhập khẩu
Theo nội dung dự thảo Thông tư về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới (TTĐB) mà Bộ Tài chính đưa ra, thì cách tính thuế đối với xe nhập khẩu sẽ có nhiều thay đổi. Cụ thể, giá tính thuế TTĐB với xe nhập khẩu sẽ được xác định trên giá bán ra của nhà nhập khẩu (giá bán buôn), thay vì cách tính giá CIF cộng với thuế nhập khẩu như hiện nay.
Để đưa ra phương án thay đổi này, người phát ngôn Bộ Tài chính cho biết, cơ quan soạn thảo đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, cùng với đó là dựa trên đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp và Hiệp hội sản xuất kinh doanh ô tô vừa qua.
Hiện một số nước đã áp dụng cách tính giá thuế TTĐB trên giá bán buôn, thậm chí cũng có nước đã áp thuế theo giá bán lẻ cuối cùng tới tay người tiêu dùng. Đơn cử, Thái Lan lâu nay cũng áp cách tính giá thuế TTĐB đối với ô tô nhập khẩu trên giá CIF và thuế nhập khẩu như Việt Nam, nhưng giờ cũng đang chuyển đổi dần sang tính dựa vào giá bán buôn...
Ô tô ngoại nhập sẽ bị áp cách tính giá thuế TTĐB mới |
Nói rõ hơn, Thứ trưởng Vũ Thị Mai chia sẻ, do xuất phát từ thực tiễn và các cam kết về lộ trình giảm thuế, trong đó có thuế nhập khẩu với mặt hàng ô tô về 0% vào năm 2018. Bên cạnh đó, hiện nay đang tồn tại sự cạnh tranh không bình đẳng khi giá tính thuế TTĐB đối với xe ô tô sản xuất trong nước là giá bán ra, còn xe nhập khẩu lại tính trên giá CIF và thuế nhập khẩu. “Việc thay đổi cách tính thuế TTĐB đối với xe ô tô nhập khẩu sẽ tạo ra sự công bằng giữa doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu. Đồng thời, sẽ chống gian lận trong khai thuế của các nhà nhập khẩu” – bà Mai nói.
Bà Mai lưu ý, một trong những điểm mới đang cân nhắc là với mặt hàng ô tô nhập dưới 24 chỗ ngồi chịu thuế TTĐB, mức tối thiểu chi phí và lợi nhuận khống chế mà ban soạn thảo đưa ra là 10%. Song, hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau của các bộ, ngành cho rằng, nên chỉ áp mức khống chế chi phí và lợi nhuận là 5%. Trên cơ sở tập hợp ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội... Bộ Tài chính sẽ cân nhắc quyết định nên áp 5% hay 10%.
Phát hành TPCP “ế” do ngân hàng thờ ơ
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) cả năm 2015 là 250.000 tỷ đồng, tuy nhiên tới cuối tháng 6 tổng khối lượng phát hành TPCP mới đạt 115.000 tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch năm, nhưng lại giảm 23% so với cùng kỳ năm 2014.
Lý giải việc phát hành TPCP bị “ế” thời gian qua, bà Phan Thị Thu Hiền – Vụ Phó Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) dẫn ra 3 nguyên nhân. Trước tiên, là do thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) – nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu thấp hơn, do tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng cao từ đầu năm. Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tới 19/6, tổng dư nợ tăng trưởng tín dụng đạt 6,08% so với cùng kỳ. Ngoài ra, theo Nghị quyết 78 chỉ đạo chỉ thực hiện các phiên phát hành đối với trái phiếu kỳ hạn 5 năm trở lên, nên khả năng mua vào của các TCTD cũng bị hạn chế phần nào.
Nguyên nhân cuối cùng được Vụ phó Vụ Tài chính ngân hàng đề cập, là tâm lý nhà đầu tư đánh giá về khả năng tăng lãi suất trái phiếu Chính phủ, nên một số phiên đấu thầu vừa qua đã không thành công như mong đợi.
“Tuy nhiên, hai tuần trở lại đây thị trường đã bình ổn trở lại, phiên giao dịch gần nhất đạt khối lượng 100%”- bà Hiền nói và nhấn mạnh, thời gian tới cơ quan này sẽ tiếp tục tham vấn nhà đầu tư để đưa sản phẩm trái phiếu phù hợp với nhu cầu thị trường...
Về tình hình thu – chi ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2015, ông Đỗ Dũng – Phó chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho hay, dự toán thu NSNN cả năm 2015 là 911,1 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng ước đạt 446,12 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014.
Dự toán chi NSNN cả năm 2015 là 1.147,1 nghìn tỷ đồng, luỹ kế chi 6 tháng đạt 545,18 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, tăng 8,2% so với cùng kỳ 2014.
6 tháng cuối năm Bộ Tài chính sẽ tổ chức điều hành chi NSNN chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ mức bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép. Điều hành chi thường xuyên chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn, trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách....