Ở nhà nội trợ, vợ thành… “Osin”
Trải qua 8 năm xây dựng hạnh phúc, cuộc sống gia đình trong mắt tôi không còn như tưởng tượng ban đầu. Từ lúc nào, anh trở thành vị “vua” đầy quyền lực khi đảm đương trụ cột kinh tế gia đình, còn tôi bị biến thành “Osin” thấp cổ bé họng vì ở nhà ăn bám. Bởi vậy, tôi không có quyền quyết định mọi vấn đề trong gia đình. Muốn làm việc gì liên quan đến tiền bạc, nếu chồng không đồng ý, tôi không thể thực hiện. Chẳng lẽ, tôi sẽ phải đóng vai “người hầu” không công trong suốt cuộc đời?
Nguyễn Thu Liễu
Khu đô thị ecopark-HN
Ảnh minh họa |
Tìm đến văn phòng tư vấn, chị kể, kết hôn xong, anh “hạ lệnh” cho vợ nghỉ việc ở nhà quán xuyến gia đình. Bởi bấy giờ chồng chị là một trưởng phòng, năng động, kiếm tiền giỏi, làm trụ cột kinh tế vững vàng. Bản thân chị đang là giáo viên dạy nhạc họa nhưng thấy chồng lo được kinh tế lại đang bầu bí nên yên tâm lui về nội trợ, chăm sóc gia đình.
Sinh hai đứa con gần nhau, một mình chị quay cuồng với việc bỉm sữa cả ngày lẫn đêm. Chồng làm ra tiền nhưng cũng rất tính toán, chi li. Bạn bè thỉnh thoảng đến chơi, thấy chị quay như chong chóng, khuyên nên thuê giúp việc đỡ đần. Chị nói với chồng, nghe xong anh bảo:
- Em cả ngày ở nhà chỉ có mỗi việc đó mà làm không xong, thuê giúp việc làm gì cho tốn kém, vả lại, có người lạ sống chung bất tiện lắm.
Chị không dám có ý kiến thêm vì anh bảo đó là nhiệm vụ của vợ phải làm giống như anh đi kiếm tiền, vất vả cũng phải cố gắng không thể kêu ai. Đến khi thấy chị kiệt sức với hai đứa con vì chúng ốm đau liên miên, anh mới miễn cưỡng nhờ bà nội, bà ngoại đến giúp đỡ vợ một thời gian.
Làm trụ cột kinh tế gia đình, anh mặc định luôn mình là người có quyền lực quyết định mọi vấn đề. Vậy nên anh trở thành “vua” trong nhà. Đi làm về mệt hay khỏe, anh cũng chỉ ngồi chơi với con, không thì xem ti vi chờ vợ dọn cơm. Con ốm đau, sạch hay bẩn, chị phải quán xuyến tất cả dù anh có ở nhà hay không. Trước khi anh đi làm, giày dép để sẵn, quần áo là ủi tinh tươm. Dần dần, chị biến thành “người hầu” của anh và hai đứa con, chỉ biết phục vụ người khác mà không được đòi hỏi. Nhiều lúc chị tủi thân rớt nước mắt.
Nghĩa vụ luôn phải thực hiện nhưng quyền lợi thì không đến lượt. Lâu nay, anh luôn lấy quyền của người làm ra tiền quyết định từ việc mua chiếc nồi cơm điện đến cái ti vi, tủ lạnh…Thậm chí mua đồ trang sức, xe máy, điện thoại cho vợ, anh cũng đứng tên trong hóa đơn. Lúc đầu, chị nghĩ đơn giản sắm sửa trong nhà chồng hay vợ mua cũng như nhau. Nhưng sau này, chị muốn bán món đồ trang sức nào, đổi xe, thay điện thoại cũng đều phải được chồng đồng ý. Nếu anh không “duyệt” thì không xong.
Gần đây, bố mẹ chị muốn sửa lại căn nhà xuống cấp, hỏi vay vợ chồng con gái một khoản. Chị muốn rút tiền tiết kiệm gửi ngân hàng về cho bố mẹ vay, nhưng anh không đồng ý, lại còn lên án gay gắt.
- Anh ấy bảo tôi không có quyền quyết định cho ai vay mượn tiền bạc của gia đình, chỉ có anh làm chủ gia đình mới có quyền đó. Tự ái, tôi định bán hết nữ trang lấy tiền hỗ trợ bố mẹ. Ai ngờ anh bảo tôi cũng chẳng có quyền định đoạt số đồ ấy vì tất cả đều mua bằng tiền của anh. Theo như anh nói thì tôi ở nhà nội trợ, chẳng làm ra tiền nên không có quyền hành gì đối với tài sản chung. Điều đó có nghĩa, nếu tôi nghe anh thì “sống” mà cãi anh là “chết” vì tay trắng sao - chị lo lắng.
Tôi tư vấn, nếu chị hiểu biết về pháp luật thì không phải mang nỗi lo lắng đến đây và trở thành “người hầu” không công cho chồng bao năm qua. Bởi việc anh tự cho mình có quyền quyết định đối với việc sử dụng, định đoạt tài sản chung của gia đình là không đúng. Hành vi đó trái với nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng quy định tại Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014. Đó là, vợ chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trọng việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập. Lao động của vợ/chồng trong gia đình cũng được coi là lao động có thu nhập.
Như vậy, dù ở nhà nội trợ nhưng chị không ăn bám chồng và hoàn toàn có quyền quyết định tài sản chung trong gia đình giống như chồng. Thay vì cam chịu, chị hãy tìm cách để anh hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng theo đúng quy định của pháp luật. Đó cũng là một giải pháp giúp chị giữ hạnh phúc cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình.
Theo Thu Vân/Phụ nữ Thủ đô