Nước ngọt có ga cũng bị đánh thuế như... rượu “cuốc lủi”?
Thảo luận tại tổ về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế TTĐB sáng 4/11, các ĐBQH cho rằng, cần bổ sung thêm đồ uống có hại cho sức khỏe như nước uống có ga vào danh mục sản phẩm chịu thuế suất thuế TTĐB.
ĐB Huỳnh Hữu Phước (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, nhu cầu uống nước ngoại là có thể, nhưng không thể quảng cáo tràn lan như hiện nay. Chưa kể, chu trình sản xuất loại nước này cũng cần có sự kiểm soát lại, khi chất tạo ngọt được sử dụng có thể gây hại cho sức khỏe.
“Chẳng nước nào như Việt Nam mà nước ngọt có ga được quảng cáo đầy rẫy trên tivi như ở Việt Nam” – ông Phước nói.
Đề xuất đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga |
Là người hoạt động trong ngành y tế, ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh đề nghị cần áp dụng một mức thuế suất cụ thể để hạn chế sử dụng loại đồ uống này.
Ý kiến của ĐB Phong Lan nhận được sự đồng tình của Trưởng đoàn ĐB TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Lập.
Dẫn lại số liệu nghiên cứu của Viện Dinh Dưỡng, ông Lập cho hay, bình quân 1 lon nước ngọt khi được “du nhập” vào cơ thể sẽ có 300 gram đường. Trong khi số bệnh nhân tử vong do các bệnh lây nhiễm chỉ 25%, thì 75% bệnh tật còn lại do sinh hoạt của chúng ta. Rồi thì chi phí tới 23 ngàn tỷ đồng cho các bệnh do lối sống như huyết áp, ung thư, tim mạch…
Do đó, “tôi đề nghị nên nâng thuế ở một mức độ nào đó để hạn chế người dân tiêu thụ mặt hàng này. Trong sửa luật kỳ này, đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung mặt hàng nước ngọt, nước ngọt có ga vào diện thuế suất TTĐB với mức thuế phù hợp. Chúng ta không đợi đến nguy cơ báo động rồi mới điều chỉnh”- ông Lập nói.
Ngoài ra, theo Trưởng đoàn ĐB TP.Hồ Chí Minh việc điều chỉnh thuế với cả bia, rượu, thuốc lá như đề xuất của Chính phủ (chỉ tăng thêm 5% mỗi lần) là quá thấp. Mà quan trọng là tăng thuế để hạn chế tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Nhưng, điều chỉnh tăng thuế thế nào để không gây sốc cho người tiêu dùng. Hiện, một số đại biểu đề nghị tăng thuế TTĐB với rượu có cồn trên 20 độ lên 85%, thay vì 75% như dự thảo, tăng thuế suất với bia lên 75%, thay vì chỉ 60%.
Đối với nước ngọt có gas, chỉ rõ trong mỗi chai/lon chứa hàm lượng calo tương đương 300, bà Lan đề nghị cần áp dụng một mức thuế suất cụ thể nào đó để hạn chế việc sử dụng nước ngọt có gas.
Bày tỏ tán đồng với ý kiến này, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM Huỳnh Thành Lập khẳng định đã có bằng chứng khoa học về tác hại của nước ngọt có gas. “Ủy ban Các vấn đề xã hội đã đưa vấn đề ra trước phiên hop toàn thể. Tôi kiến nghị luôn một số sản phẩm có hại cho sức khỏe cần quan tâm trong luật thuế sửa đổi. Ví dụ các sản phẩm nước ngọt có gas có nguy cơ gây ra rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, rối loạn tim mạch”- ông Lập nói, bởi theo ông “Sửa luật trước hết là để hạn chế những sản phẩm có hại cho sức khỏe của dân, chứ không chỉ vì hội nhập”.