Nước mắt của người cha có con gái 7 tuổi bị cưỡng hiếp
Mỗi lần nhắc đến cô con gái 7 tuổi, anh Kha lại ôm mặt khóc |
Làm thuê làm mướn quanh năm, nhà nghèo đông con lại không biết chữ, 4 đứa con nhỏ để ở nhà cho vợ trông coi, anh Đào Kha không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày phải khóc ròng trước nỗi đau của cô gái nhỏ.
Anh kể, tối đó như thường lệ đi làm mướn về, thấy cả mẹ cả con ôm nhau khóc, hỏi ra mới biết chiều hôm đó, người hàng xóm cạnh nhà nhậu say, thấy đứa con nhỏ 7 tuổi của anh đi ngang qua liền lôi vào rồi đè bé ra. Người cô của bé vô tình đi qua, tận mắt chứng kiến cảnh cháu bé bị xâm hại đã la lối và báo công an.
Nguyên cả ngày hôm đó anh ngồi khóc, khóc vì nỗi đau quá lớn của con mình, khóc vì thủ phạm không phải ai xa lạ mà chính là người hàng xóm sát vách quá quen thuộc. Mặc dù kẻ thủ ác bị bắt ngay sau đó nhưng đến giờ, đã 2 tháng trôi qua, mỗi lần nhắc đến nỗi đau này, anh Kha vẫn không khỏi xót xa.
Đồng chí Đoàn Minh Tuấn, Phó đội trưởng Cơ quan điều tra công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, ngay khi nhận được tin tố cáo, cơ quan công an đã khởi tố, bắt giam và đối tượng cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Đối tượng khai nhận do nhậu say nên đã cưỡng hiếp bé gái hàng xóm.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ xâm hại trẻ em được đưa ra ánh sáng trong buổi hội thảo về tuyên truyền phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ngày 28/7 tại TP.HCM. Đại tá Nhữ Thị Minh Nguyệt, Cục trưởng C43, Thường trực Ban chỉ đạo Nghị quyết liên tịch 01/TW cho biết, trong 5 năm qua (2012 – 2016) theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn cả nước xảy ra 6.686 vụ xâm hại trẻ em với 8.930 đối tượng, xâm hại 8.146 em.
Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt thời gian gần đây với các vụ trẻ em bị hiếp dâm (chiếm 65%), giao cấu, dâm ô và cưỡng dâm… có nhiều diễn biến phức tạp, đang có xu hướng gia tăng và độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ, phương thức thủ đoạn phạm tội ngày càng đa dạng hơn.
Đáng chú ý là tình trạng loạn luân (bố đẻ hiếp dâm con gái nhiều lần, bố dượng hiếp dâm con gái riêng của vợ, anh trai hiếp dâm em gái) hay tình trạng hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ em dưới 5 tuổi, hiếp dâm rồi giết trẻ em, thầy giáo xâm hại học sinh… gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo thống kê của Cục cảnh sát hình sự, Tổng Cục cảnh sát, từ năm 2014 – 2016, toàn quốc phát hiện 4.147 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 4.140 trẻ bị xâm hại, trong đó 1.495 vụ hiếp dâm trẻ em, 22 vụ cưỡng dâm, 556 vụ dâm ô, 2.074 vụ giao cấu với trẻ em. Đối tượng bị xâm hại chủ yếu là trẻ em gái (chiếm trên 80%), trong đó trẻ dưới 6 tuổi có 278 em, từ 6 – dưới 13 tuổi có 1.333 em, 13 – dưới 16 tuổi có 2.538 em; 28,2% trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần.
Riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc phát hiện 805 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 696 vụ xâm hại tình dục với 710 nạn nhân. Thống kê hàng năm cho thấy, số vụ xâm hại tình dục trẻ em của các tỉnh thành phía Nam chiếm gần 30% trong tổng số vụ xâm hại tình dục trẻ em của cả nước. Qua khảo sát từ 2014 – 2016 tại 15 tỉnh, thành phố địa bàn trọng điểm phía Nam đã phát hiện 999 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 1.003 đối tượng gây án, xâm hại 1.016 em.
Riêng 6 tháng đầu năm 2017, TP.HCM phát hiện 29 vụ xâm hại tình dục trẻ em, Đồng Nai 27 vụ, Kiên Giang 30 vụ, Tây Ninh 31 vụ… Đại tá Nhữ Thị Minh Nguyệt cho biết, công tác phòng ngừa và điều tra khám phá loại tội phạm này còn nhiều hạn chế. Phần lớn các vụ án xâm hại tình dục trẻ em phát hiện được là do quần chúng, gia đình và nạn nhân đến tố cáo, còn các vụ án do ngành công an phát hiện được bằng các biện pháp nghiệp vụ chỉ chiếm 6%.
Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em phần lớn chưa có tiền án, tiền sự, các đối tượng đa số là người có quan hệ gần gũi với nạn nhân như người thân (kể cả người ruột thịt), hàng xóm ở gần nhà, thầy giáo, người yêu… Đặc biệt gần đây nổi lên tình trạng các đối tượng là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, du lịch đã có hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, kể cả đối với trẻ em nam.
Đối tượng thường lợi dụng trẻ em ở nhà một mình, nơi vắng vẻ hoặc trường học để xâm hại các em; làm quen qua mạng internet sau đó dụ dỗ, cưỡng ép, khống chế để xâm hại; lợi dụng sự mê tín dị đoan, cho trẻ uống thuốc lắc, uống rượu say để xâm hại tình dục…
Bên cạnh đó, nhiều gia đình có nhận thức pháp luật còn hạn chế, thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm chia sẻ với trẻ em… khiến các em thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục. Việc giáo dục giới tính trong nhà trường, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh còn nhiều tồn tại, thiếu sót. Cùng với đó là việc trẻ đua đòi yêu sớm, quan hệ tình dục cũng như nạo phá thai bừa bãi trong khi thiếu sự quan tâm, sát sao của gia đình.
Tình trạng loạn luân xảy ra khá phổ biến không chỉ phản ánh sự suy đồi về đạo đức mà còn thể hiện trình độ dân trí, sự hiểu biết pháp luật cũng như công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Đại tá Minh Nguyệt cho biết, công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, gia đình nạn nhân và nạn nhân bị xâm hại thường không trực tiếp, kịp thời tố giác tội phạm, thậm chí bất hợp tác, không đến cơ quan chức năng trình báo.
Một số tội danh chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm, nhiều khi không tương xứng với hành vi bạo lực cần xử lý. Mặc khác, hiện nay vẫn chưa có những quy định về giám định khẩn cấp đối với những vụ tố giác xâm hại tình dục để đảm bảo điều tra có chứng cứ.
Trong thời gian tới, công an các đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với hội liên hiệp phụ nữ các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể, xã hội để tăng cường nắm bắt tình hình, xử lý nhanh chóng kịp thời các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Có kế hoạch phối hợp khảo sát và thống kê số lượng trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để có biện pháp hỗ trợ vật chất và tinh thần; làm tốt công tác phòng ngừa nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra các hành vi xâm hại; thiết lập đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em, xây dựng đội ngũ công tác viên trẻ em để trực tiếp nắm bắt thông tin…