Nữ chiến sĩ giao liên An ninh T4 với mưu mẹo “qua mặt” lính gác quân địch
Hoạt động trong lòng địch
Một bộ phận cán bộ chiến sĩ của An ninh khu Sài Gòn – Gia Định (còn gọi là An ninh T4), là tiền thân của Công an TP.HCM, góp phần xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam phải kể đến là lực lượng Giao liên T4.
Đây là lực lượng có nhiệm vụ liên lạc, móc nối đưa cán bộ hoạt động bí mật từ các căn cứ ngoài Thành vào Thành và ngược lại; vận chuyển công văn, mệnh lệnh bí mật từ chỉ huy đến từng bộ phận công tác. Bên cạnh đó, đơn vị này còn đảm nhận việc vận chuyển vũ khí, đạn dược cho các lực lượng nghiệp vụ đánh địch hoạt động trong nội đô.
Đoàn xe thô sơ của lực lượng An ninh T4 vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. |
Theo như Thiếu tướng, TS. Đỗ Văn Thuyết – Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tổng kết lịch sử - Bộ Công an đánh giá, do tính chất đặc thù của chiến trường đặc thù Sài Gòn – Gia Định quân địch đã tổ chức nơi đây thành một khu quân sự đặc biệt, gọi là Biệt khu thủ đô. Chính vì tầm quan trọng đó nên địch bố trí bảo vệ ba vòng, gồm: Vành đai phòng thủ từ xa, tiếp đó là các đồn bót ven đô và trong nội đô có các đơn vị chủ quân khu thủ đô.
Giao liên T4 được thành lập với nhiệm vụ hỗ trợ giao thông liên lạc một cách thông suốt từ chỉ huy đến cơ sở, lực lượng trực tiếp chiến đấu, đồng nghĩa sẽ hoạt động trong lòng sào huyệt của địch.
Hoạt động của đơn vị này không hề dễ dàng khi địch luôn có nhiều âm mưu để đối phó. Một trong số những cách để chúng lần ra đầu mối của ta là khi phát hiện chiến sĩ giao liên, chúng chặn lại xét hỏi rồi cho đi như không có chuyện gì. Sau đó giao lại cho nhóm khác tiếp tục theo dõi. Khi đó chiến sĩ giao liên sẽ tìm cách đánh lạc hướng, chuyển tài liệu đến địa điểm rồi quay về bằng đường khác.
Chưa hết, trong nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào nội thành, các chiến sĩ giao liên An ninh T4 dùng xe lam chở, “ngụy trang” bên trên là rau quả hay bỏ trong thùng đựng hèm rượu. Các loại chất nổ được gói trong bánh tét. Nguy hiểm hơn là việc đóng giả sĩ quan ngụy, sử dụng xe jeep mang biển số quân đội của địch vượt qua các trạm gác đưa khí giới váo Thành một cách an toàn.
“Biệt tài” hóa trang, cất giấu súng của nữ giao liên
Trong lúc thực hiện nhiệm vụ, hiểm nguy là điều luôn thường trực đối với các chiến sĩ giao liên. Hơn 20 năm làm giao liên, chị Phan Ngọc Đoàn (Chín Hà), Tổ trưởng giao liên của tiểu ban điệp báo, là nữ giao liên được đánh giá gan dạ, thông minh và có nhiều “mưu mẹo” đối phó với địch…
Tùy mỗi hoàn cảnh nữ giao liên này lại vào một vai khác nhau, lúc là nữ sinh, người bán hàng rong, khi vào vai đi thăm chồng từ Cần Thơ về Sài Gòn để xin đi nhờ xe quân lính… Nói về chị Chín Hà, Thiếu tướng – TS. Đỗ Văn Thuyết nhớ lại, do tìm hiểu kỹ quy luật hoạt động đi lại của địch và có kỹ thuật hóa trang khéo léo nên lần nào chị Chín Hà cũng qua mặt được bọn địch, đưa đón cán bộ và tài liệu an toàn.
Cán bộ, chiến sĩ An ninh T4 tuần tra, bảo vệ vùng giải phóng ven sông Sài Gòn, khu vực Củ Chi - Bình Dương năm 1972. |
Khi làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào thành thì chị Chín Hà có “chiêu” là giấu trong yên và ruột xe gắn máy. Súng K59 được chị giấu trong bánh tét. Lúc đóng vai gánh bánh mì bán, chị Chín Hà liều mình giấu súng trong một nửa gánh bánh mì, nửa còn lại cho lính ăn khi đi qua đồn.
Để cho địch không nghi ngờ các chiến sĩ giao liên như chị Chín Hà vận chuyển từng đoạn một, vào đến nội thành thuê xe ba gác, xích lô máy chở qua trạm buôn bán, về đến nhà phân tán ra. Súng ống được nữ giao liên này tháo ra vận chuyển, sau khi đến địa điểm các anh kỹ thuật sẽ ráp lại.
Đối với nữ giao liên Chín Hà, lần đáng nhớ nhất trong nhiệm vụ đưa cán bộ vào nội thành hoạt động là vào giữa năm 1967. Lúc bấy giờ, đồng chí Đỗ Thạnh (Ba Dũng) nhận trọng trách vào nội thành xây dựng mạng lưới điệp báo chuẩn bị cho cuôc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968. Trong chiến dịch này, từ căn cứ Củ Chi, nữ giao liên Chín Hà đã vượt qua không biết bao trạm kiểm soát gắt gao của cảnh sát địch ngụy hoàn thành nhiệm vụ nhận mật lệnh từ chỉ huy nổ súng vào giờ G.
Không chỉ giỏi trong việc hoạt động vận chuyển, che giấu tài liệu, Chín Hà còn xuất sắc trong công tác xây dựng mạng lưới điệp báo. Trong thời gian công tác tại nội thành Sài Gòn, nữ giao liên này đã xây dựng được 30 cơ sở điệp báo đáng tin cậy.
Với những đóng góp quan trọng được lịch sử an ninh khu Sài Gòn – Gia Định và Công an TP.HCM ghi nhận, Giao liên T4 có vai trò không thể thiếu trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Có thể nói “không có lực lượng giao liên, lực lượng An ninh T4 khó hoàn thành nhiệm vụ”.