Novaland báo lợi nhuận âm, cổ phiếu bất động sản "nổi sóng"
Ngày 28/4, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL) do ông Bùi Thành Nhơn làm Chủ tịch, công bố kết quả kinh doanh quý I/2023.
Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều thách thức, Novaland ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 410 tỷ đồng. Tổng doanh thu hợp nhất hơn 604 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, doanh thu từ bán hàng đạt gần 453 tỷ đồng, được ghi nhận từ việc bàn giao tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City, Palm City, Saigon Royal và Soho Residence; doanh thu từ cung cấp dịch vụ đạt hơn 151 tỷ đồng.
Các chỉ số cũng như hoạt động kinh doanh của Novaland trong quý I có phần kém khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi biên lợi nhuận gộp chỉ đạt khoảng 25% và lợi nhuận ròng ghi nhận âm.
Tới ngày 31/3, tổng tài sản của Novaland đạt hơn 256.194 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2022. Trong đó, hàng tồn kho ghi nhận gần 136.905 tỷ đồng.
Ngày 19/4, dự án The Grand Manhattan tại trung tâm quận 1 (TP.HCM) đã tái khởi động khi được cấp vốn bởi TPBank và tiếp tục triển khai thi công. Đây là 1 trong 7 dự án được UBND TP.HCM tháo gỡ pháp lý và đến nay đã có những chuyển biển tích cực.
Dự kiến từ quý II/2023, Novaland sẽ tập trung làm việc với các đối tác tài chính, nhà thầu thi công để sớm đưa vào triển khai xây dựng lại các dự án trung tâm TP.HCM và các đô thị Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram.
Cổ phiếu bất động sản thăng hoa
Thời gian qua, bất động sản đón nhiều tín hiệu tích cực từ Chính phủ, cùng bộ ban ngành. Ngoài việc đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản tại các địa phương, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; Nghị quyết số 33/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững…
Nhiều địa phương cũng đang hỗ trợ để vực dậy thị trường bất động sản - một lĩnh vực được xem là liên quan, giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các địa phương.
Hiện, bất động sản được đánh giá đóng góp trực tiếp khoảng 12% GDP của đất nước. Nhưng thực tế, lĩnh vực này đóng góp gián tiếp tới 20 - 25% tăng trưởng kinh tế vì liên quan tới ít nhất 50 ngành kinh tế khác.
Tại TP.HCM, tăng trưởng quý I chỉ đạt 0,7% do ngành xây dựng tăng trưởng âm 20%.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), khó khăn nhất của doanh nghiệp vẫn là vướng mắc pháp lý, chiếm 70% dự án.
Trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay (2023), các doanh nghiệp không còn tô hồng kế hoạch kinh doanh với cổ đông và đều nhận thức những khó khăn của thị trường vẫn còn. Kế hoạch ưu tiên là quản trị rủi ro và tái cấu trúc. Hầu hết các doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận giảm vài chục phần trăm so với năm 2022 như: TTC Land, Hà Đô…
Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu bất động sản tăng khá mạnh trong tuần do đã giảm mạnh cả năm qua và có tín hiệu hồi phục nhờ chính sách.
Nhóm cổ phiếu bất động sản thăng hoa và qua đó giúp thị trường chứng khoán có phiên giao dịch hứng khởi trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Chỉ số VN-Index hồi phục lại mốc 1.040 điểm.
Trong phiên cuối tuần (28/4), bên cạnh sự dẫn dắt của cặp đôi lớn Vinhomes (VHM) và Vingroup (VIC) khi đều đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày, với mức tăng tương ứng 4,2% và 3,2% thì hàng loạt cổ phiếu vừa và nhỏ trong ngành bất động sản đua nhau nổi sóng.
Điển hình là cổ phiếu DIC Corp. (DIG) đã kéo trần thành công và đóng cửa tại mức giá 18.700 đồng/cp. Khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 34 triệu đơn vị. Đây là mức thanh khoản cao nhất trong khoảng nửa tháng qua.
Ngoài ra, NLG tăng sát trần với biên độ tăng 6,7%; các mã LHG, DXS, KHG đều tăng trên 5-6%. Thanh khoản nhóm cổ phiếu bất động sản tăng vọt. DXG khớp hơn 21 triệu đơn vị, PDR khớp xấp xỉ 19 triệu đơn vị, KHG khớp hơn 12 triệu đơn vị…
Mạnh Hà