Nông sản tắc đầu ra làm "nóng" nghị trường Quốc hội
Dù lạc quan về tình hình phát triển kinh tế xã hội, nhưng báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những điểm đáng lo ngại, đặc biệt là về vấn đề nông sản “tắc” đầu ra thời gian qua. Trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế của xã hội của Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực đặc biệt khó khăn trong thời gian qua. Xuất khẩu nông - lâm và thủy sản giảm đã ảnh hưởng đến tổng kim ngạch chung của cả nước, trong đó tiêu thụ nông sản đối mặt nhiều thách thức lớn, với những sản phẩm như gạo, cao su, cà phê...
Nguyên nhân chính là việc thực hiện đề án tái cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, đất canh tác lúa kém hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng tỏ ra lo lắng trước thực trạng nông sản “được mùa mất giá”, khó khăn tiêu thụ sản phẩm, gây thiệt hại và bức xúc cho người dân.
Nông sản bế tắc đầu ra được đề cập tại nghị trường Quốc hội |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, khởi nguồn của câu chuyện nông sản gặp khó đầu ra chính là bắt nguồn từ “gốc” tái cơ cấu nông nghiệp.
“Mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc ban hành các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý thành công trong thực tiễn, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm”- ông Giàu nhận xét.
Vì thế, ông Giàu cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp cần tập trung giải quyết những vướng mắc hiện nay, trong đó cần xác định rõ những lợi thế và các loại sản phẩm của từng địa phương, nâng cao tính hiệu quả trong tổ chức thực hiện tái cơ cấu.
"Giải pháp hàng đầu vẫn là công tác quy hoạch, kế hoạch sản xuất; phát triển mô hình HTX kiểu mới để nâng cao hiệu quả việc ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, tăng năng suất lao động và giảm rủi ro thị trường. Năng lực thông quan tại các cửa khẩu để giải quyết cơ bản bất cập xảy ra gần đây”- ông Giàu nói.
Cũng theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội sẽ dành thời gian để các ĐBQH bàn về vấn đề nông sản "được mùa rớt giá".
Câu chuyện nông sản thời gian quan không chỉ khiến Chính phủ, Quốc hội lo lắng mà ngay các cử tri cũng bày tỏ sự quan ngại về thực trạng "đến hẹn lại lên" này. Theo báo cáo kiến nghị của cử tri được Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân trình bày tại phiên khai mạc, tình trạng nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản diễn ra ở nhiều nơi do hiện nay nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là sản xuất hộ cá thể. Việc sản xuất còn theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch sản xuất vùng và định hướng xuất khẩu theo nhu cầu và tính chất của thị trường.
Vì thế, cử tri kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và liên kết theo chuỗi giá trị. Từ đó nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.
Ngoài lo lắng cho đầu ra của nông sản, thông qua báo cáo thẩm tra tình hình phát triển kinh tế xã hội, các ĐBQH cũng bày tỏ sự e ngại trước xu hướng nhập siêu tăng nhanh những tháng đầu năm 2015.
Theo báo cáo của Chính phủ, 4 tháng đầu năm nhập siêu đã cán ngưỡng 3 tỷ USD, tương đương 6% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội là 5%. Trong đó, có nguyên nhân do kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, thủy sản giảm 15,8% so cùng kỳ, đồng thời lo ngại sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu một số thị trường.
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chịu sự tác động từ sự sụt giảm của giá cả hầu hết hàng hóa trên thế giới, trong đó có cả những hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế. Dự báo xuất khẩu năm 2015 sẽ khó khăn hơn, nhất là cầu bên ngoài còn yếu và nhiều nước giảm giá mạnh đồng tiền so với đồng USD, dẫn đến thâm hụt thương mại trong năm 2015 ở mức cao.
Hơn nữa, nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao. Trong năm 2015, dự báo nghĩa vụ trả nợ ở mức cao. Cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước còn chậm nên khó có thể hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2014-2015. "Chủ trương thực hiện liên kết vùng thiếu giải pháp cụ thể, thiếu các quy định pháp lý ràng buộc nên kết quả đạt được chưa cao, hiệu quả chưa rõ nét”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lo lắng.