Nỗi lòng của doanh nghiệp “ngành 18+”
Tại Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 17/12, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng đang tồn tại sự nể nang giữa các bộ, ngành nên mức độ cải cách về môi trường kinh doanh chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp.
Ông Nam lấy ví dụ về ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản, một ngành mà ông gọi là “ngành 18+”, bởi cơ quan quản lý vẫn đang thực hiện một quyết định tạm thời có từ năm 1999, cách đây đã 20 năm, dẫn đến việc các doanh nghiệp trong ngành chỉ được thuê nhân công trên 18 tuổi.
Theo Nội dung quyết định tạm thời số 190 ký ban hành tháng 3/1999: “Ngành chế biến thủy, hải sản là ngành nặng nhọc, độc hại cấp độ 4”. Với quyết định này, theo Điều 163 Luật Lao động năm 2012, doanh nghiệp thủy sản không được sử dụng lao động đối với độ tuổi từ 16-18 ở cả những công việc không độc hại.
“Trong một nhà máy chế biến đấy có đủ các loại công việc, nhưng đã quy định đóng đinh như thế, khách hàng nước ngoài đến làm việc chỉ cần thấy có một công nhân 18 tuổi thôi là họ có thể cắt hợp động vì cho rằng doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động” – ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP. |
“Chúng tôi đã báo cáo chuyện này rất nhiều lần nhưng có nhiều người không muốn chúng tôi nói chuyện này ở hội nghị. Chúng tôi đã đánh giá và đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH rằng trong nhà máy chế biến thủy sản chỉ có 8 công việc nặng nhọc, độc hại. Còn rất nhiều công việc đơn giản khác góp phần giải quyết lao động dôi dư cho các địa phương nhưng mình lại cấm bằng một quyết định tạm thời số 190 ký ban hành tháng 3/1999.”
Cũng theo đánh giá của đại diện VASEP, sự vận động trong cải thiện môi trường kinh doanh là có. Nhưng dường như các bộ, ngành đang có sự nể nang nhau rất lớn, sự nể nang đó kéo theo sự trì trệ trong cải cách, khi một sự sôi động theo các Nghị quyết nhưng cuối cùng ngồi lại những cái mình kiến nghị từ đầu năm nhưng đến cuối năm vẫn y nguyên.
Ông Nam lấy ví dụ về lĩnh vực tài nguyên môi trường, từ 20 năm nay ngành chế biến thủy sản có một TCVN riêng về tiêu chuẩn kỹ thuật cho xả thải. Nhưng quy định đó đang quá “hà khắc” đối với ngành này.
“Chúng tôi ủng hộ việc nêu cao quy định về bảo vệ môi trường nên luôn đầu tư lượng tiền lớn, nhưng cuối cùng nội hàm đó 3 năm nay không sửa”.
Một ví dụ khác, theo ông Nguyễn Hoài Nam, ngành nông sản, thủy sản là ngành chế biến, xuất khẩu, nhưng với cách tiếp cận của cơ quan thuế hiện nay thì lại là ngành sơ chế, xuất khẩu. Vì theo Thông tư 96, sản phẩm sơ chế có mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, sản phẩm chế biến có mức thuế thu nhập doanh nghiệp 15%.
“Chúng tôi kêu chuyện này 2 năm rồi bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng vẫn không thay đổi, và cuối năm ngành thuế lại tự động tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp trong ngành là sơ chế, tức 20%. Thế thì cần phải đổi tên ngành chúng tôi là ngành Sơ chế thủy sản xuất khẩu. Khi chúng tôi trao đổi với Bộ NN&PT NT thì được biết cần phải khảo sát, đánh giá nhưng không biết đến bao giờ.” – ông Nam nói.