Nơi "gió Lào cát trắng", cả làng xây nhà khủng, biệt thự tiền tỉ
Cái khó ló cái khôn
Người dân ở xã biển Nhân Trạch, (huyện Bố Trạch) ngày trước có cuộc sống lam lũ trên vùng cát trắng. Công việc đánh bắt và buôn bán hải sản thu nhập bấp bênh, nên nhiều người đã mạnh dạn tìm hướng đi mới để thay đổi cuộc sống.
Trong đó, nhiều người đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài, nhờ đó con em trong vùng mới có được công ăn việc làm ổn định. Hàng năm, người lao động gom góp gửi tiền về cho người thân nơi quê nhà, cuộc sống sung túc, người dân Nhân Trạch đã xây cất nên những ngôi nhà khang trang và vững chãi.
Theo con đường ven biển Quang Phú (thành phố Đồng Hới) về xã Nhân Trạch chạy trên triền cát trắng, bên đường những ngôi nhà mới khang trang, hiện đại đang được xây mới san sát. Từng dãy nhà được quy hoạch lề lối, môi trường sạch sẽ, không khác gì cách mà người dân miền biển nơi đây vẫn quen gọi là “phố ở trong làng”, hay “làng Seoul” ở Quảng Bình.
Xã biển Nhân Trạch đang đổi thay từng ngày nhờ nguồn tiền lao động từ nước ngoài gửi về. |
Anh Phạm Hởi ở thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch cho biết, vào cuối những năm 1990, cuộc sống khó khăn, nên nhiều người đã tìm cách đi xuất khẩu lao động. Tìm hiểu thông tin những người đi trước, anh Hởi bàn bạc cùng vợ vay tiền đăng ký đi. Giờ đây, sau nhiều năm bôn ba làm việc ở đất nước Hàn Quốc, anh trở về quê mua đất, cất nhà. Gia đình anh Hởi đã có vốn trong tay tiền tỷ để lập nghiệp.
“Xã có chủ trương đưa đi xuất khẩu lao động, tôi vay vốn ban đầu để học hành, quá trình làm ăn ở nước Hàn Quốc tích cóp tiền bạc, có vốn liếng thì về mở mang trang trại, phát triển kinh tế gia đình. Nói chung, những người như tôi đi nước ngoài mới có vốn mạnh dạn làm ăn, nếu ở nhà phụ thuộc vào khoản tiền vay mượn thì ai dám đào hồ, đào ao nuôi tôm phát triển kinh tế”.
Nhiều dãy nhà được quy hoạch, xây dựng hiện đại tạo thành "phố trong làng" ở xã Nhân Trạch. |
Ngày trước, xã Nhân Trạch là vùng đất “gió Lào cát trắng”, người dân trồng cây làm kinh tế nông nghiệp rất khó khăn. Xã Nhân Trạch chỉ có cát và những hàng phi lao. Người dân phải bám biển đánh bắt con cá con tôm để sinh sống. Người dân ở đây không cam chịu đói nghèo để tìm hướng đi nước ngoài lao động kiếm tiền.
Anh Hoàng Minh Công ở thôn Nhân Tiến, xã Nhân Trạch không cam chịu ở nhà sống trong đói nghèo, anh quyết định vay mượn tiền của anh em, bạn bè đi xuất khẩu lao động. Công việc diễn ra tốt đẹp, anh Công miệt mài làm việc suốt 7 năm ở Hàn Quốc và 3 năm ở Úc, quãng thời gian khá dài đã giúp anh tích trữ được khoản tiền lớn.
Ở nước ngoài, sau khi làm ăn trả nợ và dành dụm được số tiền khá lớn anh về quê để cất nhà cho vợ con. Năm 2017, anh Công về mua 2 miếng đất, tìm thuê người thiết kế xây dựng căn nhà trị giá hơn 5 tỷ đồng.
Nhiều ngôi nhà hiện đại của người dân được xây trên vùng cát trắng. |
Anh Công kể lại, “Dân ở đây không đi nước ngoài thì không biết làm nghề gì, nên cứ đến tuổi lao động là nhiều người vay mượn để đi xuất khẩu cả. Cái nhà này tôi xây hết 5 tỷ chưa kể đất, nói chung con em vùng này đều đi nước ngoài, trung bình mỗi hộ có ít nhất là một đến hai người. Dân ở đây sát biển, nên nhà cửa phải làm để ở những vừa kiên cố để chống lại gió bão. Nhờ người nhà đi lao động gửi tiền về, nên nhà nào làm cũng to, ai cũng vui mừng và phấn khởi”.
Gửi về hàng trăm tỉ mỗi năm
Theo thống kê, toàn xã Nhân Trạch hiện đang có khoảng 1.600 lao động đang làm việc ở các thị trường nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Úc. Người đi lao động trước về hướng dẫn, chỉ đường cho người đi sau; anh dắt em, chú dắt cháu, cứ thế cả xã Nhân Trạch dẫn đầu về xuất khẩu lao động trong tỉnh Quảng Bình. Trung bình mỗi năm, từ làng quê này có hơn 150 thanh niên khỏe mạnh, đang độ tuổi lao động đi ra nước ngoài với ước vọng quay về làm giàu cho quê hương.
Sau khi đi lao động ở Hàn Quốc và Úc về, anh Hoàng Minh Công được xây dựng ngôi nhà hơn 5 tỉ đồng chưa kể tiền mua đất. |
Ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch cho biết, tranh thủ nguồn tiền từ nước ngoài gửi về, bà con trong xã nghĩ cách đầu tư làm ăn. Có hộ nuôi tôm cá, nuôi cá, có hộ cho thuê xe ô tô đi du lịch…Với số tiền hơn 150 tỷ gửi về hàng năm, xã lập một quỹ tín dụng cho người thiếu vốn vay để đầu tư tái sản xuất.
“Toàn bộ xã đa số là nhà tầng, nhà tạm bợ là không còn nữa, chỉ có một số hộ gia đình không có lao động thì hơi vất vả. Nhà nào có lao động đi nước ngoài thì đời sống vật chất cũng như tinh thần nâng cao rõ rệt so với trước đây. Hiện tại tính thu nhập bình quân của người dân Nhân Trạch là trên 40 triệu đồng/1 lao động/1 tháng. Các cơ quan cấp trên tạo điều kiện, các công ty xuất khẩu lao động làm sao đảm bảo thủ tục, chi phí cho xuất khẩu lao động phù hợp thì sẽ có thêm nhiều người đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động làm ăn thay đổi kinh tế gia đình” - ông Hùng cho biết.