Nội dung họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng chủ trì buổi họp báo có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Nội vụ, Tài chính, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trong ngày hôm nay (29/10), Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10, với chủ đề đổi mới là tập trung bàn giải pháp mạnh nhất để thúc đẩy tăng trưởng của 2 tháng cuối năm 2016, trong đó đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng GDP và chỉ tiêu xuất khẩu – hai chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu của nghị quyết Quốc hội đề ra.
Có thể nói phiên họp Chính phủ lần này tập trung đẩy mạnh thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2016 và những vấn đề cơ bản nhất để tạo tiền đề cho năm 2017 với tinh thần thực hiện ngay nhiệm vụ của năm 2017 từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2017.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải chấm dứt tình trạng bị động, chuẩn bị tốt cho năm sau cả về kế hoạch, nguồn lực, cơ chế, thể chế, không phải đợi đến ăn Tết xong mới bắt tay vào việc. Như vậy là không để quý I tăng trưởng thấp mà quý I của năm 2017 là tăng trưởng luôn với tinh thần chủ động, tích cực nhất trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong tháng 10 chúng ta chịu ảnh hưởng tiêu cực, nặng nề của đợt bão lũ tại các tỉnh miền Trung, với sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, sự vào cuộc, quyết tâm của các cấp, các ngành, của người dân và doanh nghiệp, tình hình kinh tế -xã hội trong 10 tháng, đặc biệt là tháng 10, có nhiều chuyển biến tích cực.
Tốc độ tăng trưởng công nghiệp là 7,2%, thấp hơn so với cùng kỳ 2016 nhưng đây cũng là chỉ tiêu đáng mừng. Nông nghiệp đang có chiều hướng tích cực, nhất là thủy sản tăng 2% so với cùng kỳ, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng tăng khá tốt. Chỉ tiêu xuất khẩu trong 10 tháng tăng 7,2% (cùng kỳ của năm 2015 tăng 8,8%). Đặc biệt trong 10 tháng, có 91.700 DN thành lập mới, tăng 18,3%, với số vốn đăng ký là 710 nghìn tỷ, tăng 46,5% so với cùng kỳ của 2015. Đáng mừng nữa là có 22.000 DN hoạt động trở lại sau thời gian gặp khó khăn có thể liên quan đến điều kiện kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, vốn, khả năng cạnh tranh, thị trường dịch vụ. Số doanh nghiệp này sẽ tạo ra sản phẩm, của cải vật chất ngay cho xã hội.
Thủ tướng đã ký quyết định vốn đầu tư phát triển trong tháng 10 được 22.400 tỷ, trong đó sử dụng vốn dư của Quốc lộ 1A, vốn dư của trái phiếu Chính phủ cho dự án Quốc lộ 14 cộng với một số vốn khác trong và ngoài nước. Như vậy, có thêm 22.400 tỷ cho tăng trưởng. Giải ngân vốn ngân sách của 10 tháng đến nay được 62,6% còn giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ đạt 46,3%. Tăng trưởng tín dụng 10 tháng được 11,81%. Có thể nói đây là những con số hết sức tốt.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu mở đầu buổi họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao trong việc tăng các bậc của chúng ta. Tính thời điểm đến 1/7 để tính toán cho năm 2017, có thể nói Việt Nam sẽ tăng hạng tới 9 bậc so với 2016, trong đó một số chỉ tiêu rất tốt. Đó là dịch vụ tiếp cận điện năng tăng 5 bậc lên thứ 96 trong bảng xếp hạng, chỉ tiêu bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng ấn tượng tới 31 bậc lên xếp hạng thứ 87 trên thế giới, chỉ tiêu nộp thuế tăng 11 bậc lên xếp hạng 167, tiêu chí giao thương quốc tế tăng 15 bậc lên xếp hạng thứ 93. Với 190 nước thì chúng ta đang xếp hạng môi trường kinh doanh trong ASEAN ở bậc 5 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei.
Về mặt đối ngoại, trong tháng 10, chúng ta đã tổ chức thành công hội nghị CMLV và hội nghị ACMECS. Có thể nói, lần đầu tiên chúng ta tổ chức hội nghị quốc tế có sự gặp mặt đông đủ của các cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam, có mặt rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước và nguyên thủ các nước. Hội nghị chúng ta tổ chức được các bạn đánh giá rất cao về lòng nhiệt tình, chu đáo và tổ chức hết sức thành công, hiệu quả.
Bên cạnh những mặt tích cực trên, trong 10 tháng đầu năm, nền kinh tế nước ta còn khó khăn, thách thức. Đó là nỗ lực để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,3-6,5% của năm 2016 như đã báo cáo tại thời điểm phiên họp báo thường kỳ tháng trước. Như vậy việc đẩy mạnh tăng trưởng là yêu cầu rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều giải pháp, kể cả vấn đề cân đối kinh tế vĩ mô, tăng trưởng chi, tiến độ thu ngân sách, lạm phát ở mức 4% theo nghị quyết của Quốc hội.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải làm việc với ý chí, quyết tâm cao nhất, tâm huyết, sáng tạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân để tập trung thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu. Thủ tướng nhắc nhở chúng ta không thể chấp nhận đầu năm là tháng ăn chơi. Chúng ta phải triển khai ngay, chủ động ngay với tinh thần chủ động nhất về vốn, nguồn lực, kế hoạch, cơ chế, thể chế; không đợi ăn tết xong mới bước vào thực hiện.
Như vậy nhiệm vụ của phiên họp Chính phủ tháng 10 rất quan trọng. Một mặt là rà soát lại toàn bộ chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2016 để hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu, trong đó có 2 chỉ tiêu còn tăng trưởng thấp là tăng trưởng GDP và xuất khẩu.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng lưu ý một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm và tạo tiền đề cho đầu năm 2017. Nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô. GDP quý IV phải đạt cố gắng cao nhất là từ 7,1-7,7% thì chúng ta mới đạt GDP cả năm là 6,3-6,5%. Tốc độ tăng trưởng rất quan trọng, ảnh hưởng đến nợ công, bội chi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về giải pháp cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát lạm phát, các bộ không tăng giá bán điện từ nay đến cuối năm, điều hành giá xăng dầu phù hợp, xem xét kỹ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, triển khai tốt việc đấu thầu thuốc chữa bệnh. Xem xét giảm giá vé BOT ở các tuyến đường thu phí. Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu khi triển khai chương trình bình ổn giá dịp Tết.
Về tiền tệ, tín dụng, thực hiện tăng trưởng tín dụng, kế hoạch cả năm là đạt 17-18% nhưng 10 tháng chúng ta mới đạt 11,81%, như vậy tăng trưởng tín dụng của chúng ta chưa đạt mục tiêu. Như vậy cần đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng để tăng trưởng tiêu dùng, tăng trưởng sản xuất. Thực hiện các biện pháp có hiệu quả giảm lãi suất, nhất là lãi suất vay. NHNN thực hiện ngay các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp. Cùng với đó, kiểm soát nợ xấu phát sinh, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn trong toàn hệ thống.
Về đầu tư, Thủ tướng nhắc nhở, phê bình một số bộ, địa phương chậm trễ trong giải ngân vốn, như đã báo cáo phần đầu, vốn ngân sách nhà nước hiện nay chúng ta mới giải ngân được 62,6%, vốn trái phiếu Chính phủ chúng ta mới giải ngân được 46,3%. Từ nay đến cuối năm còn 2 tháng phải tập trung giải ngân số vốn ngân sách và số vốn trái phiếu Chính phủ cộng với 24.000 tỷ Thủ tướng vừa quyết định phân bổ cho các dự án, đặc biệt là 22 dự án vốn kết dư của Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14. Cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, không đổ lỗi cho quy trình thủ tục. Trong 10 tháng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổ công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục đôn đốc các địa phương, giao Bộ KH&ĐT là cơ quan chủ trì đôn đốc các địa phương để tháo gỡ khó khăn về thủ tục giải ngân vốn.
Vấn đề tài chính, ngân sách, Thủ tướng yêu cầu triệt để tiết kiệm chi ngân sách, cả chi đầu tư và chi thường xuyên, nhất là chi cho hội họp, tiếp khách, đi công tác, sử dụng xe công. Hiện nay, trích dự phòng 10% và tiết kiệm 10% khi giao dự toán chi đầu tư cho các công trình, dự án của 2017. Về thu, triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc nợ thuế, chống thất thu ngân sách, đẩy mạnh cải cách hành chính trong vấn đề thu thuế, hoạt động của cơ quan hải quan.
Về xuất khẩu, trong 10 tháng đã tăng 7,2%, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu, nỗ lực cả năm tối thiểu phải đạt 8%, với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, rà soát, tháo gỡ rào cản cho xuất khẩu. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, nhóm mặt hàng, đặc biệt là nhóm hàng nông sản. Rất mừng so với đầu kỳ chúng ta đang có tăng trưởng dương của nông nghiệp. Quý I chúng ta tăng trưởng âm 1,23%, quý II tăng trưởng âm 0,85%. Quý III chúng ta tăng trưởng dương 0,63% và quý IV chúng ta sẽ tăng trưởng tốt hơn vì hàng nông sản xuất khẩu chúng ta tăng trưởng tốt hơn rất nhiều, kể cả chăn nuôi, chế biến nông sản cũng tốt hơn rất nhiều.
Cùng với những nhiệm vụ trên, phiên họp Chính phủ đã thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2020 và kế hoạch đầu tư công năm 2017. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu báo cáo cần giải thích rõ thông tin liên quan đến việc phân bổ ngân sách cho các địa phương.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn điều hành buổi họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại phiên họp, tôi với tư cách là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương, các tổng công ty nhà nước. Trong tháng 10, Tổ công tác đã kiểm tra Bộ Y tế, TPHCM và 4 cơ quan liên quan đến việc giải ngân chậm trễ nguồn vốn kết dư từ dự án Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14. Như vậy từ 1/1 đến 26/10/2016, tổng số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương là 7.349 nhiệm vụ, đã hoàn thành 4.069 nhiệm vụ, trong đó hoàn thành trong hạn 3.321 nhiệm vụ, hoàn thành quá hạn là 748 nhiệm vụ, chưa hoàn thành 3.280 nhiệm vụ (trong hạn là 3.135 nhiệm vụ, quá hạn 145 nhiệm vụ). Như vậy nhiệm vụ hoàn thành tăng 28,8%, nhiệm vụ chưa hoàn thành, quá hạn giảm chỉ còn 3,56%, tức là đã giảm 14,74% so với cùng kỳ năm 2015.
Hoạt động của Tổ công tác đã tạo hiệu ứng lan tỏa, tạo chuyển biến rõ nét trong các bộ, ngành, địa phương. Các nhiệm vụ được giao đã được các bộ, ngành, địa phương thành lập tổ công tác của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để trực tiếp giúp Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát theo dõi. Đây là sự lan tỏa rất lớn. Để giúp cho Thủ tướng thì ở các bộ, ngành, địa phương cũng trực tiếp giúp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Kết luận phiên họp, đánh giá cao hoạt động của Tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác thời gian tới thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, kiên quyết không để chậm trễ, không để thực hiện kém chất lượng các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm với những việc chậm trễ. Có thể quay lại kiểm tra các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra trước đó để xem mức độ hậu kiểm thế nào, đặc biệt liên quan đến thủ tục hành chính, các rào cản liên quan đến tháo gỡ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, liên quan đến doanh nghiệp.
Sắp tới, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn và giải trình trước Quốc hội. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung, chuẩn bị kỹ công tác này với trách nhiệm cao, với tinh thần cao nhất để Quốc hội và cử tri thấy được quyết tâm, ý chí, tinh thần trách nhiệm và các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và các thành viên Chính phủ. Đặc biệt là sẽ giao cho các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng trả lời trực tiếp trước đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.
Theo chinhphu.vn