Nơi cao ráo, địa hình dốc trở thành ‘rốn ngập' của TP.HCM
Đây cũng là những tuyến đường nằm trong danh mục 15 tuyến đường thuộc 3 khu vực thường xuyên ngập được Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) công bố đầu mùa mưa.
Cụ thể, khu vực 1 gồm các tuyến đường: Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Khối thuộc quận Gò Vấp; Khu vực 2 là "khu phố Tây" TP Thủ Đức gồm các tuyến đường Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng; Khu vực 3 ở chợ Thủ Đức với các tuyến đường Võ Văn Ngân, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức).
Nhiều tuyến đường ngập nặng chiều 5/7 tại quận Gò Vấp. Ảnh: UDI Maps
Một tuần 5 ngày ngập
Khi TP.HCM vào mùa mưa, nhiều hộ dân sống bên đường Nguyễn Văn Khối, phường 9, quận Gò Vấp lại ngán ngẩm với thực trạng 'hễ mưa là ngập'.
Theo người dân, những năm gần đây, đường Nguyễn Văn Khối trở thành 'rốn ngập' của không chỉ quận Gò Vấp mà của cả TP.HCM. Trong gần 1 tháng vào mùa mưa, tuyến đường này có hơn chục ngày ngập lênh láng, gây đảo lộn cuộc sống sinh hoạt và kinh doanh.
“Tuần qua, khu vực có 5 ngày mưa lớn là 5 lần đường Nguyễn Văn Khối 'ngập như sông', xe chết máy hàng loạt; nhà cửa, hàng quán bên đường bị nước tràn vào gây hư hại tài sản. Nước cuốn theo bùn sình tràn vào nhà gây ô nhiễm khiến tôi phải đóng cửa tạm ngưng kinh doanh để tìm cách khắc phục. Bình thường ngày thu được 2 triệu đồng, ngày mưa ngập doanh thu chỉ còn từ 300-500 nghìn đồng”, chị Trúc Ly, chủ quán cà phê bên đường ngao ngán nói.
Chung tình cảnh, người dân sinh sống trên các tuyến đường Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ… cũng bị mưa ngập khiến việc đi lại vất vả, sinh hoạt bị đảo lộn, người dân phải kê cao đồ đạc trong nhà.
Tại TP Thủ Đức, nhiều tuyến đường vốn cao ráo, độ dốc lớn nhưng lại xảy ra tình trạng ngập liên tiếp sau mưa thời gian qua.
Khu vực đường Võ Văn Ngân, đoạn gần chợ Thủ Đức có độ dốc lớn, hễ mưa lớn khoảng 15 phút, nước lại chảy như thác, đổ dồn về chỗ thấp. Các tuyến đường gần đó như Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Kha Vạn Cân thành 'rốn hút nước'.
Cách khu vực này 1km, đường Tô Ngọc Vân, đoạn giao cắt với đường sắt Bắc – Nam, Tô Ngọc Vân- Linh Đông cũng xảy ra ngập sâu, nước chảy xiết thành dòng gây nguy hiểm.
Lý giải nơi cao ráo cũng thành 'rốn ngập'
Theo Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM), khu vực phía bắc TP Thủ Đức tuy cao nhưng có dạng gò đồi, cao độ địa hình có xu hướng giảm dần từ phía Bắc về phía Nam, Đông Nam.
Đặc biệt, mức độ chuyển tiếp giữa khu vực có địa hình cao đến nơi có địa hình trũng thấp biến thiên rất lớn, tạo thành những vùng có độ dốc hơn 10% như tuyến đường Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt, Tô Ngọc Vân, khu vực chợ Thủ Đức... Đó là nguyên nhân khiến tuyến đường nước chảy xiết như dòng thác giữa phố khi mưa xuống.
Nguyên nhân khác là hạ tầng hệ thống thoát nước khu vực TP Thủ Đức không đáp ứng kịp nhu cầu khi lưu vực thoát nước liên tục tăng lên do tốc độ đô thị hóa.
Theo KTS Khương Văn Mười, đô thị hóa mạnh mẽ nên mạng lưới đường ở TP.HCM chằng chịt. Khi mưa xuống thì nước theo mái nhà, mái tôn chảy xuống các tuyến đường và tất cả thu vào cống. Nếu cống đủ tiết diện thoát nước, thu nước thì bề mặt đường sẽ không bị ngập.
"Nhiều tuyến đường thường có tiết diện thoát nước nhỏ, hẹp khiến nước chảy tràn trên mặt đường. Như vậy, trữ lượng nước mưa đổ xuống cao nhưng nếu cống thoát nước không đảm bảo quy chuẩn, quá nhỏ thì sẽ không kịp thoát nước nên kể cả vùng cao cũng sẽ bị ngập", vị chuyên gia nhận xét.
Theo KTS Khương Văn Mười, cách xử lý là những vùng có địa hình dốc cần phải kiểm tra, đánh giá lại hệ thống cống thoát nước nhằm khắc phục, đảm bảo công suất hoặc bố trí một khoảng nào đó để thu nước điều tiết ra kênh rạch. Song song với giải pháp hạ tầng kỹ thuật thì trách nhiệm của người dân trong việc hạn chế xả rác cũng rất quan trọng.
“Trong các nguyên nhân gây ngập, có lỗi do rác thải gây tắc nghẽn dòng chảy nên dù có làm cống to cỡ nào mà tình trạng xả nước bừa bãi vẫn còn cùng với bùn, sình sẽ gây tắc nghẽn cống thì ngập vẫn hoàn ngập. Do vậy, cộng đồng xã hội cần có trách nhiệm cùng tham gia, chung sức bảo vệ môi trường”, vị chuyên gia khuyến nghị.
Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM - Tiến sĩ Võ Kim Cương phân tích: "Nguyên lý là nước sẽ chảy theo độ dốc tự nhiên, từ trên cao xuống nơi có địa hình thấp để tạo thành lưu vực. Hiện nay một số tuyến đường lớn được xây dựng hệ thống cống có tiết diện lớn, đấu nối với hệ thống cống các tuyến đường xung quanh có cống thoát nước nhỏ hơn để tạo thành hệ thống thoát nước đô thị.
Dù vậy, một số khu vực chưa có tuyến thoát nước đô thị, một số tuyến đường hình thành sớm chỉ tính toán thoát nước riêng lẻ. Khi đô thị hóa mạnh mẽ, hệ thống thoát nước của nhiều khu dân cư, tuyến đường, ngõ hẻm đều đấu nối ra cống tuyến đường chính. Quá trình này không tính toán lối thoát nước khác hoặc bổ sung nâng cấp đường cống cũ lớn hơn.
Như vậy, hệ thống cống của tuyến đường cũ phải gánh nhiệm vụ thoát nước cho cả khu vực nhưng tiết diện cống này trở nên nhỏ, lạc hậu dẫn đến quá tải, gây ngập", vị chuyên gia cho hay.
Ngoài ra, ông Cương cho rằng, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, bê tông hóa đã thu hẹp dần diện tích đất để thẩm thấu nước, các kênh rạch thoát nước tự nhiên bị san lấp nhưng không có thiết kế quy hoạch thoát nước đi kèm nên tình trạng ngập càng thêm trầm trọng.
Tuấn Kiệt