Nói “Cách sống người tỉnh lẻ làm bẩn Hà Nội” là không đúng
Nói “Cách sống người tỉnh lẻ làm bẩn Hà Nội” là không đúng
Để rộng đường dư luận, PV báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với Nhà báo, Nhà thơ, Nhà nghiên cứu Hà Nội Giang Quân và ghi lại những chia sẻ của ông về văn hóa Hà Nội và những góc nhìn xung quanh bài báo.
Nhà báo, Nhà thơ, Nhà nghiên cứu Hà Nội Giang Quân trao đổi với phóng viên |
Thưa ông, được biết ông là nhà nghiên cứu Hà Nội lâu năm, là một nhà báo dày dạn kinh nghiệm xin ông cho biết "dòng chảy" nào đã tạo nên Văn Hóa Hà Nội?
Văn hóa Hà nội bắt nguồn từ truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Hình thành từ quá trình giao lưu văn hóa của cả nước và giao lưu văn hóa quốc tế. Ngay khi hình thành, bất cứ thủ đô nào cũng là đại diện tiêu biểu cho đất nước, là đặc trưng của đất nước đó. Đặc trưng của văn minh kinh kỳ chính là văn minh đô thị, đời sống đô thị. Văn minh đô thị khác văn minh nông thôn vì có giao dịch, có buôn bán chính vì thế nó có thể du nhập những yếu tố phù hợp từ những nền văn minh khác. Nhưng cái khẳng định đầu tiên văn hóa Hà Nội chính là sự kết tinh của văn hóa dân tộc, truyền thống dân tộc hay nói cách khác nó chính là sự “bồi tụ” của văn hóa các vùng miền cả nước.
Như vậy, theo ông văn hóa Hà Nội có sự tham gia, xây dựng của “người tỉnh lẻ”?
Đúng thế, văn hóa Hà Nội còn được tiếp thu tinh hoa từ văn hóa của các địa phương khác trong cả nước. Ví dụ các phố bắt đầu bằng chữ “hàng” đa phần từ các tỉnh đưa về. Chẳng hạn, phố Hàng Thêu từ Hướng Dương - Thường Tín (Hà Tây cũ). Phố Thợ Khảm là từ La Xuyên - Phú Xuyên (Hà Tây cũ). Hàng Đồng có một phần từ làng Đại Bái (Bắc Ninh)… Khi Hà Nội là kinh đô thì nhân tài khắp nơi đổ về vì ở đây chính là nơi tiêu thụ sản phẩm của họ, đánh giá được tài năng của họ. Nói chung các nghề thủ công ở Hà Nội đều có nguồn gốc từ các địa phương khác đến. Đến Hà Nội đều là những thợ giỏi, lành nghề và người buôn bán giỏi chứ không phải người “xoàng”. Ngoài ra, một phần không nhỏ là những nhân tài khoa cử cả nước, họ thi đỗ, làm quan và sinh sống luôn ở đây…
Về Nhà báo, Nhà thơ, Nhà nghiên cứu Hà Nội Giang Quân: Ông là người rất am hiểu về phong tục tập quán văn hóa người Hà Nội. Ông đã viết 8 cuốn sách về Hà Nội, trong đó có nhiều cuốn để lại ấn tượng cho bạn đọc: Từ điển đường phố Hà Nội, Ký sự địa chí Hà Nội, Nếp sống gia đình người Hà Nội….Đặc biệt, ông cũng là một trong những người tham gia viết dự thảo bức thư của nhân dân Đảng bộ Hà Nội gửi 100 năm sau. Là người đóng góp nhiều cho nghiên cứu về văn hóa Hà Nội nên năm 2011 ông vinh dự được đứng tên trong danh sách 10 công dân Thủ đô ưu tú… |
Thưa ông, có một trang báo đã đăng bài nêu quan điểm của một cá nhân với tiêu đề gốc: “Cách sống của người ngoại tỉnh làm bẩn Hà Nội”. Quan điểm của ông thế nào?
Nói như vậy là không đúng. Ở đâu cũng có người tốt, người xấu. Không phải là người Hà Nội là văn hóa hoàn toàn. Ngược lại, rất nhiều người ngoại tỉnh giỏi giang mang lại những nét văn hóa cho Hà Nội. Một hình ảnh rõ nhất, những người lao động phổ thông ngoại tỉnh, bảo họ rằng nhếch nhác ư, họ lao động nặng nhọc thì họ như vậy nhưng nếu không có họ thì làm sao Hà Nội xây dựng nhanh được.
“Tính cách người Hà Nội cổ giàu không ai biết, khó không ai hay, trọng thị mình và trọng thị người khác, không có chuyện kỳ thị, phân biệt người khác” (Nhà báo, Nhà thơ, Nhà nghiên cứu Hà Nội Giang Quân nhận xét) |
Thêm vào đó, đại đa số người Hà Nội hiện nay đều có gốc gác nông thôn. Nếu không phải là mới sinh sống ở Hà Nội thì có ông cha mấy đời trước từ ngoại tỉnh. Sau khi mở rộng Hà Nội thì số dân người Hà Nội cũ chỉ chiếm có 5%. Do đó, nói: “Người ngoại tỉnh làm bẩn Hà Nội” là cách nói không chính xác.
Theo ông, lời nói như vậy lại đăng trên một tờ báo có tạo ra làn sóng kỳ thị lẫn nhau giữa các cộng đồng cùng sinh sống tại Hà Nội hay không?
Không đến mức tạo thành làn sóng “kỳ thị” . Vì lời nói đó chỉ là của một cá nhân không đại diện cho một tập thể. Người có tri thức sẽ hiểu điều đó. Theo tôi, cơ quan ngôn luận nên để rộng đường dư luận, đừng lấy biểu hiện của một vài cá nhân rồi gán cho một cộng đồng.
Là nhà báo kỳ cựu ông có nhắn nhủ gì với các nhà báo nói chung sau sự kiện này?
Tôi nghĩ tất cả những gì đưa lên công luận đều có ảnh hưởng đến xã hội, có thể có ảnh hưởng tốt, có thể có ảnh hưởng xấu. Trách nhiệm của nhà báo là phải đắn đo suy nghĩ trước khi đưa thông tin lên mặt báo.
Hồng Chuyên