Nợ xấu bị “giam lỏng” trong kho?
Đó là khẳng định của ĐB Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội xoay quanh chuyện nợ xấu bị “giam” trong “kho” của Công ty VAMC và xử lý chậm chạp.
ĐBQH Trần Du Lịch: Điểm nghẽn của xử lý nợ xấu là chưa có thị trường mua bán nợ Ảnh: HT |
VAMC không phải là cái kho
Thưa ông, nói về cách xử lý nợ xấu hiện nay qua Công ty VAMC, có ý kiến ĐBQH từng làm trong ngành ngân hàng ví công ty này như một nhà “kho” đang giam nợ xấu, nếu không xử lý thì 5 năm sau khi mở kho, nợ xấu sẽ... “bốc mùi”. Ông có đồng tình với ý kiến trên?
Tôi thực sự không nghĩ như một số người nói kiểu như vậy. Hiện chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý nợ xấu. Nợ bản thân nó không có gì xấu cả, kể cả Nhà nước và DN nếu việc vay nợ mà sử dụng có hiệu quả, sinh lời, đặc biệt là tính toán dòng tiền để có thể trả nợ.
Nhưng tỷ lệ nợ xấu từ đầu năm tới nay cứ hạ nhiệt được chút ít rồi lại quay đầu tăng cao. Giải pháp đưa ra thì đã rõ, nhưng theo ông điểm nghẽn trong vấn đề xử lý “cục máu đông” nợ xấu hiện nay là gì?
Vấn đề cấp thiết hiện nay làm làm sao phải tháo gỡ được thị trường mua bán nợ, tháo cơ chế cho chủ nợ. Không thể để tiếp tục tái diễn tình trạng cầm được tài sản đảm bảo trong tay nhưng 5-7 năm không thể nào bán nổi để thu tiền về.
Chúng ta không lo không có thị trường đầu ra cho nợ, mà cái chính là vướng về mặt thủ tục hành chính. Hiện thị trường mua bán nợ chưa hình thành nên có những cơ chế nằm ngoài thị trường, đơn cử: thủ tục thanh lý, mua bán tài sản hiện đang vướng về pháp luật dân sự…
Cần có ngay cơ chế về chính sách để gỡ “điểm nghẽn” này. Ví như, khi thế chấp tài sản trị giá 100 đồng, nay giảm chỉ còn 30 đồng thì cũng phải chấp nhận bán theo giá hiện thời.
Nguyên tắc nợ xấu phải chia đều 2 đối tượng người cho vay và người đi vay, Nhà nước chỉ kiểm soát hoạt động xử lý ra sao thôi. Nợ xấu là sản phẩm thị trường thì phải xử lý bằng phương pháp thị trường.
Tôi đã không ít lần đề nghị, Quốc hội cần ra một Nghị quyết chung để sửa nhiều luật cùng lúc thì mới mong loại bỏ nhanh điểm nghẽn tín dụng này, tháo gỡ khó khăn cho việc xử lý nợ xấu.
Ông từng phát biểu “Phải bơm tiền tươi để xử lý nợ xấu”, nhưng nguồn tiền này sẽ lấy từ nguồn nào khi ngân sách hiện đã cạn?
Chắc chắn là chúng ta sẽ không dùng ngân sách để tháo gỡ nợ xấu rồi. Tiền từ nguồn nào, thì có thể lấy từ quỹ cổ phần hóa, quỹ thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước…. Chính phủ hiện đang quản lý các quỹ này. Việc lấy ra 10.000 -20.000 tỷ đồng để xử lý nợ, sau này thu hút trở lại, tôi cho rằng hoàn toàn có thể làm được.
Cần giảm ngay lãi vay trung dài hạn
Chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm 2014, nhưng tới giờ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới tăng chưa tới 8%, vẫn rất xa mục tiêu đề ra hồi đầu năm của Ngân hàng Nhà nước là 12-14%. Ông có lo tín dụng lại “lo dồn, đói góp” vào 2 tháng cuối năm hay không?
Nếu so với trước đây thì mức tăng tín dụng 7,85% là quá nhỏ, thậm chí ngay cả mục tiêu mà chúng ta đề ra mức 12-14% cũng không phải là cao, so với nhu cầu thời kỳ trước tín dụng phải tăng trên 20%. Nhưng tình thế bây giờ khác trước, cái chính là nền kinh tế không hấp thụ được vốn.
Ngay như tại TP.Hồ Chí Minh, 30% doanh nghiệp làm ăn tốt thì hạn mức (quota) tín dụng cho không, dùng không hết. Ngược lại, với số các doanh nghiệp vướng nợ, lãi suất cao họ không vay được.
Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giảm trần lãi suất huy động để kéo lãi vay giảm xuống. Động thái điều chỉnh này liệu có chậm không khi chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm 2014?
Tôi rất tán thành với động thái giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước và lời kêu gọi giảm lãi suất vay trung dài hạn của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đối với 5 lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng cần giảm lãi suất trung dài hạn xuống thấp hơn nữa và mở đối với tất cả các lĩnh vực để kích thích nhóm doanh nghiệp làm ăn tốt tái đầu tư. Hiện mức lãi suất vay này trên thị trường vẫn trên 10%, chả doanh nghiệp “màng” tới chuyện vay về để làm gì, dù họ rất cần vốn.
Như vậy theo ông “thuốc” chính sách lãi suất mà cơ quan điều hành tiền tệ vừa đưa ra vẫn chưa đủ “liều”?
Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần có thêm biện pháp kỹ thuật, giảm các mức lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu…) xuống thì lúc đó lãi suất của các ngân hàng thương mại mới giảm. Bước đi của Ngân hàng Nhà nước có vẻ hơi dè dặt vì còn lo lạm phát, tiền tệ.