Nợ công giảm 12.000 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,2%
Chiều tối 30/3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô quý I/2015.
Nền kinh tế đang tăng tốc
Tại cuộc họp ông Cao Viết Sinh - Tổ trưởng Tổ công tác vĩ mô liên ngành cho biết, trong quý I/2015 kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, tốt hơn nhiều năm. Trong đó, các chỉ số kinh tế vĩ mô và một số lĩnh vực phát triển nhanh hơn cùng kỳ năm trước, như công nghiệp xây dựng tăng 8,35%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,54%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 10% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư xã hội tăng 9,1%. Bên cạnh đó, vốn FDI giải ngân hơn 7 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 35,7 tỉ USD chỉ tăng 6,9%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 1,5%. Lạm phát cơ bản quý I tăng 2,38% so với cùng kỳ năm ngoái…
“Tổng cầu tiêu dùng phục hồi đáng kể. Nếu thực hiện hiệu quả các biện pháp theo nghị quyết đầu năm của Chính phủ, dự báo tăng trưởng đạt 6,3-6,5%, lạm phát ở mức dưới 4%. Một số ngân hàng nước ngoài có dự báo tăng trưởng từ 6,2-6,5%” - ông Sinh nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Bày tỏ niềm vui vì “nền kinh tế đang tăng trưởng”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh ví sự chuyển động của nền kinh tế hiện tại với hình ảnh “đoàn xe tải kéo dài, tắc nghẽn trên tuyến Quốc lộ 5”. “Tốc độ chạy của xe là tốc độ của nền kinh tế. Tắc nhưng vui là kinh tế đang tăng trưởng” – ông Vinh hồ hởi.
Cũng theo ông Sinh, dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng cũng có yếu tố bất lợi: giá hàng hóa thế giới giảm; xu hướng giảm thuế theo các hiệp đinh thương mại, đồng USD tăng giá, giá dầu có thể tăng cao trở lại, hay việc tăng giá điện làm tăng giá đầu vào của DN.
“Một vấn đề đáng chú ý khác là đồng USD tăng giá rất mạnh so với ngoại tệ khác, tác động đến tâm lý nhất định. Có thể chưa tác động bất lợi nhiều đến xuất khẩu. Đồng Euro, đồng Yên giảm có thể làm giảm nợ vay và giảm trị giá nhập khẩu. Nợ công có thể giảm 12.000 tỉ đồng nhờ việc đồng Euro và đồng Yên giảm giá”, ông tiếp lời.
Tổ công tác vĩ mô đề nghị trong quý II/2015, đẩy nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản để tăng tổng cầu và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xem xét, giảm lãi suất cho vay từ 1-1,5% để nếu có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cả năm lên 15-17%.
Kiểm soát nhập siêu dưới 5%
Tại cuộc họp, phân tích rõ hơn về số liệu xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho hay, sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm duy trì tốc độ tăng trưởng khá, gần gấp đôi cùng kỳ năm 2014, nhất là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số hàng tồn kho tính đến 1/3/2015 là 19%, thị trường xuất khẩu được mở rộng. Kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2015 chỉ tăng 6,9%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, nhóm hàng nông nghiệp, thủy sản giảm rất mạnh, giảm tới trên 900 triệu USD trong quý I do giá giảm và lượng xuất đi cũng giảm. Dầu thô, than đá cũng đã sụt giảm. Nếu tính cả xuất khẩu nông sản và khoáng sản, thì xuất khẩu đã giảm khoảng 1,6 tỉ USD.
Trong lúc xuất khẩu giảm thì kim ngạch nhập khẩu lại tăng trên 15%, trong đó nhập khẩu máy móc, thiết bị chiếm trên 80%. Các nhóm mặt hàng cần kiểm soát, hạn chế nhập khẩu tăng thấp.
Tuy “tư lệnh” ngành công thương tỏ ra không mấy lo lắng về vấn đề nhập siêu khi tốc độ tăng nhập khẩu đang nhanh hơn so với xuất khẩu, song ông Cao Viết Sinh lại băn khoăn, “việc đảm bảo tỷ lệ nhập siêu cả năm dưới 5% sẽ khó khăn”. Để khống chế tỷ lệ này, ông Cao Viết Sinh nhấn mạnh, ngành công thương cần tính toán để cân đối bài toán xuất nhập khẩu cho trọn vẹn.
Đối với tác động của việc tăng giá điện thêm 7,5% từ 16/3 vừa qua, một lần nữa Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ quan điểm, việc tăng giá điện, giá xăng đã bước đầu theo tín hiệu thị trường. “Giá xăng có tăng, có giảm, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá. Giá điện cũng được điều chỉnh ở mức hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội cho đối tượng chính sách”, ông Hoàng nói.
Theo dự báo, tình hình kinh tế vĩ mô quý II và cả năm 2015 tiếp tục xu thế ổn định; lạm phát được duy trì ở mức thấp; tăng trưởng GDP quý II được dự báo cao hơn cùng kỳ năm trước.
Từ phân tích các dữ liệu kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2%, xuất khẩu tăng 10%, giữ lạm phát ở mức thấp và ổn định tỷ giá… hoàn toàn “nằm trong tầm tay”.
“Việc đảm bảo kinh tế vĩ mô thời điểm này là rất quan trọng” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. “Cần chú ý tới vấn đề tạo thể chế, chính sách, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và giữ trật tự an toàn xã hội” – Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tiếp tục làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình để chủ động đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách linh hoạt, hiệu quả. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối phát phát triển nông nghiệp, công nghiệp; quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu…