Ninh Bình đưa công nghệ 4.0 thúc đẩy du lịch phát triển hơn nữa
Từ năm 2018, Ninh Bình đã chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với việc nghiên cứu xây dựng cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh trên điện thoại di động.
Ninh Bình đưa công nghệ 4.0 thúc đẩy du lịch phát triển hơn nữa |
Với lợi thế có nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ, Ninh Bình được gắn liền với Di sản Văn hoá Thiên nhiên thế giới – Danh thắng Tràng An, khu du lịch tâm linh Chùa Bái Đính…nhiều năm qua, địa phương này luôn chú trọng thúc đẩy phát triển du lịch.
Trước sự bùng nổ của thời kỳ công nghệ số, tận dụng lợi thế này đồng thời để đưa hình ảnh du lịch Ninh Bình đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế, những năm gần đây ngành du lịch Ninh Bình đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số, ứng dụng số hóa vào phát triển du lịch thông minh.
Theo đó, bắt đầu từ năm 2018, Ninh Bình đã chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với việc nghiên cứu xây dựng cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh trên điện thoại di động. Đồng thời triển khai số hoá dữ liệu ngành du lịch và kết nối cơ sở dữ liệu du lịch với các lĩnh vực của các sở, ban, ngành.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tiếp tục được Ninh Bình tích cực triển khai thông qua việc xây dựng kho dữ liệu về du lịch, triển khai tiếp thị bằng tin nhắn SMS dựa trên vị trí địa lý của khách hàng, cung cấp wifi công cộng miễn phí cho khách du lịch tại các điểm du lịch. Thông qua đó, hình ảnh du lịch Ninh Bình với nhiều tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và lịch sử ngày một đến gần hơn với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Gần đây nhất, ngày 18/9/2020, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Ninh Bình (Sở Du lịch Ninh Bình) đã có buổi làm việc với Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) về việc tái cấu trúc các website xúc tiến quảng bá của ngành du lịch Ninh Bình.
Theo đó, với 2 mục tiêu chính là quảng bá, giới thiệu điểm đến và Hỗ trợ khách du lịch (các thông tin liên quan đến địa điểm vui chơi, mua sắm, nhà hàng, an ninh, y tế…), các website dự kiến sẽ thay đổi với thiết kế thẩm mỹ, nội dung phong phú, tích hợp nhiều tiện ích cần thiết cho du khách và tương thích với tất cả các thiết bị điện tử.
Việc tái cấu trúc website xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ khách du lịch là hướng đi phù hợp với xu thế và nhu cầu thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh Ninh Bình đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch và là địa phương đăng cai sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2021. Các website này sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho du khách trong việc khám phá và cảm nhận những giá trị đặc sắc, phong phú của du lịch Ninh Bình. Từ đó giúp khách du lịch tăng cường trải nghiệm và lựa chọn được hành trình phù hợp với nhu cầu, sở thích của mình.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu: đến năm 2020, Ninh Bình trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước; đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để làm được điều này, việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch là vô cùng quan trọng.
Trước đó, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 đạt tổng doanh thu từ du lịch trên 8.000 tỷ đồng; đón và phục vụ 1,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 7 triệu lượt khách nội địa (trong đó có 2 triệu lượt khách lưu trú); tạo việc làm cho 30.000 lao động, trong đó có 12.000 lao động trực tiếp…
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Kế hoạch đề ra các giải pháp cơ cấu lại thị trường khách du lịch; củng cố, phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý; cơ cấu lại nguồn lực để phát triển du lịch; cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch.
Trong đó ưu tiên nguồn lực thích hợp đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch; đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hệ thống bãi đỗ xe, các trạm dừng nghỉ, nhà vệ sinh đạt chuẩn tạo điều kiện thuận lợi phục vụ khách du lịch; chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, đầu tư xây dựng các khu du lịch quốc gia Tràng An, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Cúc Phương, hồ Đồng Chương, hồ Yên Thắng… với các sản phẩm du lịch đa dạng, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời địa phương này cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khách sạn có chất lượng cao, nhà hàng ăn uống đạt chuẩn và các khu vui chơi giải trí hiện đại để phục vụ, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch; tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lao động và đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước trong Ngành; tích cực đổi mới các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu được các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn và tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh; quản lý tốt hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh; nhân rộng mô hình các nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
H. Anh