Những "sự vụ" chưa từng có gây sốc giới ngân hàng 2015
Đại án tại Ocean bank, bắt sếp lớn Tập đoàn Dầu khí
Liên quan đến những sai phạm tại Ngân hàng Đại Dương, ngày 21/7, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố điều tra và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Xuân Sơn cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN.
Việc bắt giam một cựu lãnh đạo cấp cao nhất Tập đoàn có doanh thu khủng của nền kinh tế gây chấn động dư luận, đặc biệt khi ông Sơn chỉ bị điều chuyển khỏi vị trí chủ tjch PVN trước đó 1 ngày, khi Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, điều chuyển ông Nguyễn Xuân Sơn về Bộ Công Thương và giao ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng Giám đốc kiêm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN.
Ảnh: PLTPHCM |
Ông Sơn bị bắt về hành vi “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong thời gian ông Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng Giám đốc OceanBank giai đoạn 2008 - 2010.
Ông Sơn từng là Phó Tổng Giám đốc Ocean Bank, sau đó là Phó Tổng giám đốc PVN trước khi giữ chức Chủ tịch HĐTV PVN.
Ông Sơn được cho là người có trách nhiệm trong việc PVN mất 800 tỉ đồng khi đầu tư vào OceanBank.
Đại án Agribank: Giám đốc trực tiếp chỉ đạo và tham gia cho vay sai quy định, hơn 2000 tỷ "bốc hơi".
Năm 2015 được cho là năm mà Agribank gắn liền với từ đại án, ngàn tỷ. Hàng loạt vụ việc sai phạm, mất vốn của ngân hàng này được đưa ra xét xử.
Cơ quan truy tố khẳng định, các đối tượng đã có hành vi lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay đối với Cty Lifepro không có căn cứ, không thẩm định hồ sơ cho vay cũng như việc bỏ qua các điều kiện giải ngân theo quy định, làm thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, Phạm Thị Bích Lương (SN 1969, cựu Giám đốc Agribank Nam Hà Nội) là người chỉ đạo và trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình cho vay sai quy định, dẫn đến thiệt hại tiền vốn của ngân hàng, chịu trách nhiệm về số tiền hơn 2.000 tỷ đồng khi cho Cty Lifepro vay.
Vụ Dương Thanh Cường do quen biết với ông Lý Văn Chức (nguyên giám đốc Agribank Chi nhánh Bình Chánh), đã được tạo điều kiện vay nhiều hợp đồng sai phạm, rút ruột ngân hàng này. Vụ án đã được đưa ra xét xử Dương Thanh Cường và đồng phạm là nhiều quan chức, cán bộ ngân hàng Agribank. Vụ việc đã gây thất thoát cho ngân hàng này số tiền hơn 966 tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2009, Cường sử dụng nhiều pháp nhân vay sai quy định của Agribank Chi nhánh 6 tổng cộng hơn 1.300 tỷ đồng. Đến tháng 10/2012, các công ty của Dương Thanh Cường còn nợ Agribank Chi nhánh 6 gần 1.600 tỷ đồng.
Đại gia Trầm Bê ủy quyền cổ đông cho Ngân hàng nhà nước
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thông báo ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch Sacombank phải ủy quyền cổ đông cho NHNN và không được tham gia quản trị, điều hành sau sáp nhập. Thông báo này đồng thời với việc cơ quan này chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Ông Trầm Bê hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo qui định của pháp luật và Điều lệ ngân hàng Southern Bank, Điều lệ ngân hàng Sacombank sau khi nhận sáp nhập Southern Bank đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, Southern Bank và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan. Như vậy, ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập.
Ông Trầm Bê cũng cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông Trầm Bê.
"Chùm" 25 lãnh đạo, cán bộ ngân hàng lãnh án vụ thủy sản Phương Nam
Mức án hàng trăm năm tù dành cho 27 bị cáo liên quan đến vụ án lừa đảo chiểm đoạt tài sản và vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) và các ngân hàng.
Từ năm 2008-2012, Công ty Phương Nam (Sóc Trăng) đã vay nợ 8 ngân hàng với tổng nợ gốc lên đến gần 1.700 tỷ đồng.
Trong đó 25 người nguyên là lãnh đạo, cán bộ của 5 ngân hàng, gồm VDB Sóc Trăng, LienViet Postbank Hậu Giang, Sacombank Sóc Trăng, ABBank Bạc Liêu và VCB Sóc Trăng bị cáo buộc “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” làm thiệt hại gần 785 tỷ đồng.
Ngân hàng 0 đồng hay âm đồng?
Ocean bank, GP bank, Ngân hàng Xây dựng lần lượt được Ngân hàng Nhà nước "mua cứu" với giá 0 đồng sau hàng loạt sai phạm lớn của lãnh đạo đẩy các ngân hàng này vào tình thế bên bờ vực phá sản. Lần đầu tiên số lượng các ngân hàng bị mua giá "không có giá" khiến dư luận không khỏi thắc mắc và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phải lên tiếng tiết lộ giá trị cổ phiếu của các ngân hàng này thậm chí là âm đồng, chứ không phải 0 đồng.
Và việc NHNN mua lại cổ phiếu của các ngân hàng yếu kém thời gian qua không phải ép buộc mà hoàn toàn trên cơ sở định giá DN, do công ty định giá độc lập tính toán định giá.