Những phương thức lừa đảo phổ biến nhất nhằm ăn cắp tiền trong tài khoản
Cục Công nghệ tin học thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thống kê một số phương thức lừa đảo phổ biến.
Thứ nhất là dạng “tấn công giả mạo” (phishing), nghĩa là tội phạm thiết lập một website giả mạo giống website của ngân hàng hoặc nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Sau đó tội phạm gửi email đến khách hàng, giả mạo thông báo của ngân hàng hoặc nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đề nghị khách hàng truy cập vào trang web giả mạo để thực hiện một số giao dịch bình thường như đổi mật khẩu, kiểm tra thông tin tài khoản… Nếu khách hàng truy cập, các thông tin khách hàng khai báo như tên, mật khẩu đăng nhập, số thẻ… sẽ bị tội phạm lấy cắp.
Thứ hai là tấn công dạng “kỹ thuật lừa đảo qua mạng” (social engineering), tức là tội phạm gọi điện hoặc gửi tin nhắn đến khách hàng, lừa đảo rằng khách hàng đã trúng thưởng một chương trình khuyến mại hoặc giả mạo người thân cần sự hỗ trợ về tài chính và đề nghị cung cấp các thông tin về tài khoản, số thẻ, mã xác thực giao dịch OTP…
Tội phạm cũng có thể tấn công bằng mã độc, lừa đảo người dùng truy cập vào các website hoặc mở email có chứa mã độc hại. Mã độc sau khi xâm nhập vào máy tính, điện thoại của khách hàng sẽ âm thầm lấy cắp thông tin của khách hàng.
Một số vụ việc gần đây cho thấy, chủ yếu các trường hợp bị lừa là do khách hàng truy cập một số trang web lạ và bất cẩn để lộ, lọt thông tin cá nhân.
Ví dụ, vụ việc mất tiền trong tài khoản của một khách hàng gần đây, nguyên nhân ban đầu được xác định là khách đã bị đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản do truy cập vào một trang web giả mạo qua máy điện thoại cá nhân. Ngân hàng đang tích cực rà soát và phối hợp với cơ quan điều tra để xử lý vụ việc.
NHNN đã khuyến cáo người dùng thẻ và các dịch vụ ngân hàng điện tử cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của ngân hàng cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, khách hàng cần lưu ý thêm một số điểm như cần bảo mật thông tin về tên/mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng điện tử, mã xác thực giao dịch OTP (mật khẩu dùng 1 lần), không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ đối tượng nào (kể cả nhân viên ngân hàng) qua điện thoại, email, mạng xã hội…
Khách hàng cần bảo vệ điện thoại hoặc thiết bị di động của mình khi sử dụng các thiết bị này cho các dịch vụ ngân hàng trực tuyến như: Cài đặt phần mềm phòng chống mã độc hại; thiết lập tính năng xác thực khi truy cập (bằng mật mã hoặc vân tay…).
Đối với mật mã truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử cũng như mật mã email cá nhân, khách hàng cần đặt mật khẩu khó đoán, thay đổi mật mã thường xuyên và không sử dụng các tính năng lưu mật mã để đăng nhập tự động cho các lần sau.
Khách hàng cần hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử. Khi dùng, cần gõ trực tiếp địa chỉ các trang web ngân hàng điện tử thay vì chọn đường link có sẵn. Đồng thời chỉ thực hiện đăng nhập trên website chính thức của các ngân hàng và mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, tin cậy.
Sau Vụ khách hàng mất 500 triệu, Vietcombank siết dịch vụ Smart OTP
Viecombank vừa cho biết ngân hàng này đã thay đổi đối với phương thức kích hoạt dịch vụ Smart OTP áp dụng từ ngày 12/8/2016.
Đối với khách hàng đã sử dụng dịch vụ Smart OTP và muốn tiếp tục dịch vụ Smart OTP trên thiết bị đang sử dụng:
Khách hàng thực hiện việc đăng ký lại dịch vụ Smart OTP trên chương trình Internet Banking của Vietcombank.
Đối với các khách hàng chưa từng đăng ký sử dụng phần mềm SmartOTP hoặc khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ Smart OTP nhưng có nhu cầu chuyển sang cài đặt và sử dụng trên thiết bị mới:
Vietcombank đề nghị khách hàng đến các điểm giao dịch của Vietcombank để thực hiện việc đăng ký dịch vụ và tải phần mềm Smart trên Google Play Store hoặc Apple Store.