Những "nhà báo không thẻ" can trường trên biển Hoàng Sa
Nói những nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại điểm nóng Hoàng Sa là chiến sĩ cũng không hề sai. Nhưng có chiến sĩ thật sự đang ngày đêm bám biển, họ có thể là chính trị viên, thậm chí là “anh nuôi” nhưng khi có tàu Trung Quốc là họ sẵn sàng lên boong tàu dùng tất cả các loại máy ảnh, máy quay để góp phần tác nghiệp cùng nhà báo. Họ là những nhà báo nghiệp dư không bao giờ có thẻ.
Tác nghiệp trên tàu CSB 2016, phóng viên Báo điện tử Infonet đã được chứng kiến sự dũng cảm, kiên trì của cảnh sát biển Việt Nam mọi lúc, mọi nơi. Mỗi khi đài chỉ huy gọi trên loa: “Các đồng chí chú ý, tàu Trung Quốc đang ngăn cản trái phép tàu Việt Nam, các đồng chí đang làm nhiệm vụ kiểm tra cửa đề phòng tàu Trung Quốc phun vòi rồng, các đồng chí phóng viên lên boong tác nghiệp”, từ các phòng, hàng loạt phóng viên bật dậy, vác vội máy ảnh, máy quay lên đài chỉ huy. Tôi thường có mặt sớm nhất trong cánh phóng viên, nhưng khi vừa lên đến nơi đã thấy Thượng úy Nguyễn Quốc Huy, Chính trị viên tàu CSB 2016 và Đại úy Phan Nhân Hậu, Phó Chính trị viên Hải đội 201, Cảnh sát biển vùng 2 đã có mặt từ lúc nào. Các anh đã hòa vào nhóm phóng viên, tác nghiệp hăng say cho dù có phải đối mặt với vòi rồng và đâm va. Hình ảnh khiến chúng tôi không bao giờ quên được là hình ảnh Thượng úy Nguyễn Quốc Huy với chiếc máy quay khá to khiến anh không khác gì phóng viên quay phim của hãng truyền hình lớn. Còn Đại úy Phan Nhân Hậu tác nghiệp bằng mọi cách, lúc dùng máy ảnh du lịch cá nhân, có lúc dùng điện thoại di động.
Trong lần ghi lại cảnh tàu Trung Quốc 46105 cố tình đâm va vào tàu CSB 2016, cả 2 “nhà báo - cảnh sát biển” đều rời boong tàu muộn nhất. Những hình ảnh hung hãn của tàu Trung Quốc đã được ghi lại qua camera của Thượng úy Nguyễn Quốc Huy và máy ảnh trên tay Đại úy Phan Nhân Hậu. Câu chuyện tác nghiệp ghi lại cảnh tàu Trung Quốc cố tình đâm va tàu CSB 2016 sẽ là ký ức không phai với những phóng viên có mặt trên tàu tại thời điểm đó.
Hôm đó, 16h chiều, ngày 1/6, sau 2 lần liên tiếp (sáng, trưa) tàu Trung Quốc áp sát, uy hiếp nhưng không khiến các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam nao núng, lần này, tàu Trung Quốc đã hung hăng hơn. Nhận thấy phía Trung Quốc chuẩn bị người để phun vòi rồng, Thượng úy Quản Đình Dương, Thuyền trưởng tàu 2016 hô lớn: “Đóng cửa cabin lại, tất cả về đài chỉ huy”. Nhóm phóng viên đã hiểu, ở đây thuyền trưởng là người chỉ huy cao nhất, nên mặc dù không biết sợ là gì nhưng vẫn phải trở về cabin. Trên boong tàu, Đại úy Hậu, Thượng úy Huy vẫn bám trụ kiên cường.
Trong chớp mắt, tàu Trung Quốc hung hãn quay ngang rồi lao vào tàu Việt Nam, chỉ nghe tiếng “kịch” rất mạnh, tàu nghiêng về bên trái, những phóng viên đang đứng tác nghiệp cũng ngã theo. Toàn bộ hình ảnh về cú đâm va hung hãn và hành động phun vòi rồng của tàu Trung Quốc đối với tàu Việt Nam đã được ghi hình đầy đủ.
Đáng chú ý hơn, sau đó, tàu Trung Quốc tìm mọi cách phun vòi rồng vào máy quay nhằm phi tang chứng cứ. Thượng úy Nguyễn Quốc Huy đã mưu trí, dũng cảm tiếp tục lợi dụng địa hình, bám trụ mặt boong, đối mặt vòi rồng, giám sát hành động của tàu Trung Quốc và bảo vệ an toàn máy quay và đoạn video bằng chứng. Sau này, những thước phim và những bức ảnh mà đại úy Phan Nhân Hậu và Thượng úy Nguyễn Quốc Huy ghi lại đã và đang cùng với những bức ảnh, thước phim khác góp phần tố cáo hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Trong chuyến đi ra thực địa, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan, chúng tôi hiểu rằng, những cảnh sát biển Việt Nam không chỉ mưu trí dũng cảm, kiên trì đấu tranh với Trung Quốc, không chỉ sẵn sàng chấp nhận hy sinh gian khổ để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc mà các anh còn là những “nhà báo không thẻ” nơi biển đảo xa xôi.