Những người thầy dành cả thanh xuân 'gieo chữ' vùng cao
Có đến tận nơi vùng xa xôi của huyện miền núi Bảo Lâm (Cao Bằng) mới cảm nhận được hết sự khó khăn, vất vả của các thầy giáo và học sinh vùng cao. Những câu chuyện của những người trong cuộc thật cảm động và cho thấy biết bao sự gian nan để đưa con chữ lên ngàn.
Nằm cách xa trung tâm TP. Cao Bằng hơn 200km, Bảo Lâm là một trong những huyện khó khăn, xa xôi nhất của tỉnh nghèo Cao Bằng. Trong đó, xã Đức Hạnh chính là xã xa xôi nhất về phía Bắc, giáp biên giới Trung Quốc.
Từ trung tâm thị trấn để đến với điểm trường Lũng Mần - thuộc Trường Tiểu học & THCS Đức Hạnh (xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) phải mất tới hơn 3 tiếng đồng hồ. Ở nơi đây được ví von là “nơi cùng trời” của mảnh đất Cao Bằng, điểm trường hiện có 80 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 theo học.
Vượt qua những khúc cua tay áo ngoằn ngoèo thì điểm trường Lũng Mần cũng hiện ra với dãy nhà cheo leo giữa bốn bề núi đá. Khác với điểm trường khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Lũng Mần không có giáo viên nữ mà ở đây chỉ có 5 giáo viên nam đứng lớp.
Do khó khăn trong thiếu nước sinh hoạt gây trở ngại rất lớn nên việc phân công giáo viên nữ về trường công tác gần như không có.
Thầy giáo Chứ Mí Súa - điểm trường Lũng Mần - thuộc Trường Tiểu học & THCS Đức Hạnh cho biết: “Cách trở địa lý nên chúng tôi chọn ở lại điểm trường luôn. Thiếu nước nên nước dùng sinh hoạt của chúng tôi cũng hạn chế, nước dùng cho vệ sinh cá nhân sẽ được chia vào các chai nhỏ, nước mưa hứng xuống sẽ cho vào téc nước lớn dùng nấu ăn, còn tắm giặt thì leo bộ ngược núi đá từ điểm trường đến nơi lấy nước sinh hoạt cộng đồng. Thực phẩm thì chúng tôi mua tại trung tâm xã rồi gửi vào một tủ đông của nhà dân gần đó để dành ăn cả tháng”.
Các em học sinh ở điểm trường Lũng Mần đều là người dân tộc H’Mông. Do học tại điểm trường xa nhà nên các em ăn trưa và nghỉ trưa ở trường, rồi tiếp tục học vào buổi chiều. Và đa số những bữa trưa của học sinh nơi đây đều là mì tôm.
Có những học sinh ở xóm lưng núi nên không thể đi xe đạp mà phải đi bộ đến trường. Đường đi khó, các em phải qua đường tắt đến trường, sáng thường đi lúc 4h-5h sáng để đến trường lúc 7h.
“Hầu hết các học sinh đến lớp đều rất khó khăn, thiếu thốn từ đồ ăn đến sách, bút, giấy vở. Dù các thầy giáo ở điểm trường luôn cố gắng dành dụm mua thêm chút đồ ăn hay dụng cụ học tập cho các em nhưng cũng như muối bỏ bể so với sự khó khăn nơi đây”, một thầy giáo ở điểm trường Lũng Mần nói.
Thầy giáo Chứ Mí Súa cũng tâm sự thêm: “Trước kia nhà trường cũng khó khăn về cơ sở vật chất, trời nắng thì ánh nắng xuyên qua lớp học còn mưa thì dột ướt. Cũng may mấy năm nay điểm trường được nhà nước đầu tư xây dựng sạch đẹp nên học sinh và giáo viên cũng phấn khởi.
Học sinh của điểm trường Lũng Mần rất nhiều khó khăn, nhất là mùa khô không có nước, đa số học sinh ăn trưa tại trường, mỗi bữa ăn học sinh đi xin nước từ những nhà dân xung quanh. Mơ ước duy nhất của tôi là làm thế nào để học sinh có nước dùng trên điểm trường chứ không có nước khổ sở vô cùng”.
Ước mơ của những đứa trẻ Lũng Mần không quá cao xa, chỉ là những bữa ăn có đủ cơm, rau, thịt, cá, chiếc cặp đến trường có đủ sách vở, giấy bút, mơ về những chậu đầy nước sạch lấp loáng ánh mặt trời trong buổi trưa hè và con đường không còn lầy lội, trơn trượt khi mưa xuống.
Sóng điện thoại tại Lũng Mần lúc có lúc không, chập chờn khiến nhiều cuộc gọi về với gia đình của các thầy cũng ngập ngừng, ngắt quãng theo... Ở điểm trường xa xôi ít có cơ hội về thăm vợ con gia đình nên các thầy luôn tranh thủ những lúc ban đêm để có sóng khỏe nhất gọi về cho gia đình.
Các thầy bảo thích nhất là lúc sóng khỏe có thể gọi video cho vợ con, cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện diễn ra ở điểm trường nơi biên cương của tổ quốc.
Năm người thầy với nhiều nỗi niềm riêng nhưng với tình yêu với học sinh nơi bản cao, đất khó các thầy vẫn đang nỗ lực từng ngày với hi vọng mang lại tươi lai tươi sáng hơn cho bản biên giới Lũng Mần.
Hoàng Thanh