Những người “nặng lòng” với biển, đảo quê hương (Phần 2)
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: “Biển với tôi là nghề và cũng là nghiệp”
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo- Bộ TN&MT |
Mái tóc bạc trắng như cước nhưng thần thái khuôn mặt vẫn đầy sức sống như tuổi 40, đó là cảm nhận của người viết bài này lần gặp đầu tiên gặp PGD.TS Chu Hồi vào ngày Hà Nội trở lạnh. Với giọng nói trầm, nhẹ nhàng, tiếp xúc với ông lần đầu khó ai có thể nhận ra tuổi tác và công việc ông đã từng làm. Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Hồi có thời gian gắn bó với Biển đảo quê hương đã 40 năm.
Từ nhà nghiên cứu biển ông trở thành nhà quản lý biển, trở thành nhà giáo dạy về biển và nhà báo viết về biển. Có lẽ cái nghiệp biển và “vị mặn của biển” đã ăn sâu vào máu của ông. Ông đã từng tâm sự: “Lòng biển mênh mông bí ẩn, không thể quan sát thông thường là có thể hiểu được nó mà phải thông qua nhà khoa học. Những năm tháng làm khoa học biển đã giúp tôi có thể hiểu về biển”. Nhà khoa học biển như là cái gốc cho tất cả công việc ông làm. Hay nói cách khác, biển chính là nghề, là nghiệp của ông. Vì yêu biển, hiểu biển mà ông đã đảm nhận và hoàn thành tốt nhiều vị trí công tác, tham gia nhiều diễn đàn Biển trong nước và Quốc tế. Với cương vị chuyên gia, nhà quản lý biển, Phó tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển quốc gia, thành viên Ban biên tập Tạp chí quốc tế về Quản lý Đại dương và Vùng bờ biển, ông không chỉ lên tiếng bảo vệ chủ quyền trước dư luận trong nước mà tại các diễn đàn quốc tế ông cũng sẵn sàng lên tiếng, đóng góp bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi tại hội thảo về biển. Ảnh internet |
Hơn thế nữa, theo ông, bảo vệ chủ quyền của nước ta ở Biển Đông không phải chỉ trên mặt trận chính trị, luật pháp, ngoại giao mà phải đấu tranh bằng khoa học, bằng kinh tế biển. Ông thường nói đùa: “Chúng ta không thể phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng đội quân thuyền thúng được, mà phải bằng khoa học-công nghệ tiên tiến”. Trong những năm làm nghiên cứu và nhà quản lý biển ông đã chủ trì tham gia hoạch định nhiều chính sách phát triển kinh tế biển.
Những đóng góp cho nghiên cứu khoa học, hoạch định chiến lược biển của ông trong một bài báo này khó có thể kể hết. Xin dùng lời ông Ngô Lực Tài, Nguyên GĐ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, thường vụ Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam, trong một cuốn sách, nói về ông để làm lời kết. Ông Tài nhận xét về PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi như sau: “Là người hoạch định chiến lược có tầm nhìn và quan điểm kiên định, những lập luận chắc chắn của anh thuyết phục được cả giới khoa học trong và ngoài nước. Tự tin nhưng rất khiêm tốn, chịu khó học hỏi những người đi trước. Thời điểm này tìm được một người dám nói, dám làm như anh quả thật là hiếm”.
Sơ lược về công tác nghiên cứu Biển của PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi
1. Các vị trí công tác đã kinh qua Trưởng phòng, Trạm phó Trạm NC biển vịnh Bắc Bộ, Giám đốc Trung tâm NC biển tại Hải Phòng thuộc Viện Khoa học Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học, kiêm Phân viện trưởng Phân viện HDH tại Hải Phòng, Trung Tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, Giám đốc (kiêm nhiệm) Trạm Quan trắc môi trường biển phía Bắc, Phó Viện trưởng, rồi Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, Bộ Thuỷ sản (nay là Bộ NN&PTNT), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, ông thôi chức vụ quản lý và chuyển về Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội làm cán bộ nghiên cứu và giảng dạy để tiếp tục cống hiến cho biển. Ngoài ra, ông còn làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển, thành viên Ban biên tập Tạp chí quốc tế về Quản lý Đại dương và vùng bờ biển, UVTV TƯ Hội nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển,...
2. Chủ trì khoảng 50 đề tài/dự án các cấp quốc gia và quốc tế liên quan đến nghiên cứu, quản lý vùng bờ và biển từ 1975 đến nay như: Nghiên cứu sử dụng hợp lý các bãi triều lầy ven biển Bắc Việt Nam, Tăng cường năng lực cho Việt Nam để Quản lý tổng hợp vùng bờ tây vịnh Bắc Bộ (Dự án hợp tác giữa Việt Nam-NOAA/Hoa Kỳ và IUCN), Phân vùng sử dụng và lập kế hoạch quản lý không gian vùng bờ Quảng Ninh – Hải Phòng (Dự án đối ứng theo nghị định thư Việt Nam – Hoa Kỳ), Tạo thuận lợi cho Việt Nam trong QLTH vùng bờ (Dự án hợp tác giữa Việt Nam-Trung tâm nghề cá Thế giới),…
3. Chủ biên và tác giả của 15 đầu sách và gần 180 bài báo nghiên cứu biển xuất bản trong và ngoài nước, như: Nguyễn Chu Hồi, 2007. Tổ chức không gian cho phát triển kinh tế biển bền vững (Tạp chí Lý luận và Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh-Cơ sở Đà Nẵng, số 6/07); Nguyễn Chu Hồi (chủ biên), 2007. Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển nghề cá”, Kỷ yếu hội thảo, Hà Nội, Nguyễn Chu Hồi, 1992; Tình trạng suy thoái môi trường và tài nguyên dải ven biển Việt Nam. Tạp chí Hoạt động Khoa học, số 2, Hà Nội; Nguyễn Chu Hồi (đồng tác giả), 1995. Quản lý vùng bờ biển châu Á-Thái Bình Dương: Vấn đề và cách tiếp cận. (tiếng Anh),Tokyo; Nguyễn Chu Hồi (đồng tác giả), 2002. Le Vietnam et la Mer (Việt Nam và biển). NXB ‘Les Indes Savantes, France’, (Tiếng Pháp); Nguyễn Chu Hồi, 2012. Xây dựng các cộng đồng biển, đảo có khả năng tự quản. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, số 6 (140) 3/2012, Hà Nội;…