Những người chờ đợi FTA
Dẫn đầu hội nhập
Năm 2015 là một năm đánh dấu mốc quan trọng của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam ký kết và hoàn tất đàm phán một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA giữa Việt Nam với Hàn Quốc, EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)…mở ra con đường hội nhập sâu rộng cho cả nền kinh tế.
Các hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho doanh nghiệp Việt. Ảnh minh họa |
Thậm chí tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2015, giáo sư Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho rằng “Việt Nam vô địch về hội nhập”. Bởi tính đến nay Việt Nam đã ký tổng cộng 15 Hiệp định thương mại tự do – một kỳ tích đứng đầu ASEAN và cũng thuộc loại dẫn đầu thế giới.
Đánh giá mức độ hội nhập của Việt Nam trong năm qua, ông Nguyễn Sơn, Phó văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế thuộc Bộ Công thương cũng cho biết: “Có thể nói năm 2015, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Trong năm qua, chúng ta đã ký và kết thúc đàm phán 4 FTA với những đối tác quan trọng. Tính tổng cộng Việt Nam đã có FTA với 70 nền kinh tế. Trong đó hầu hết là các nền kinh tế nằm trong nhóm G20 của thế giới”.
Đặc biệt TPP- được coi là một Hiệp định mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21. Các tổ chức quốc tế cũng như trong nước đều nhận định, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất sau khi TPP được ký kết. TPP bao gồm 12 nước thành viên, là một thị trường rộng lớn với hơn 800 triệu dân, tổng GDP 28 nghìn tỉ USD, tương đương với 36% GDP toàn cầu, và chiếm trên 25% tổng thương mại toàn thế giới. Dự kiến TPP sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như dịch chuyển thương mại, giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực trong việc phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Theo các mô hình kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 28,4% vào năm 2025 so với việc không có TPP, và GDP của Việt Nam cũng sẽ tăng thêm 10,5%.
Tính toán của Ngân hàng Thế giới cho biết, trong vòng 20 năm tới, TPP sẽ đóng góp thêm 8% GDP của Việt Nam, 17% giá trị xuất khẩu thực tế, và 12% vốn đầu tư.
Nhiều người đặt câu hỏi, lập “kỷ lục” về FTA như thế, Việt Nam có hội nhập nhanh quá so với trình độ của mình hay không? Nền kinh tế Việt Nam có đủ sức hấp thụ khi đây là các Hiệp định thương mại thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và khác trước?
Biến thách thức thành cơ hội
Tuy nhiên khi chúng tôi đem những lo lắng, băn khoăn này tới các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp đều tỏ ra lạc quan và kỳ vọng bứt phá nhờ các cơ hội mà FTA mang lại.
Bà Kim Lan, Giám đốc công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) cho biết, với hơn chục năm trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, công ty đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, trở thành đối tác uy tín của nhiều thị trường lớn trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu nên sắp tới đây với những cơ hội, thách thức mà TPP hay những Hiệp định khác cũng không có gì đáng ngại. Doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị để sẵn sàng đối đầu, đón lõng thời cơ.
Còn ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc công ty May 10 cũng kỳ vọng TPP sẽ mang lại cơ hội lớn cho May 10.
Trong TPP có 2 đối tác mà May 10 đã có thị trường là Mỹ và Nhật Bản. Thị trường chiếm tỷ trọng lớn thứ 3 là Châu Âu. Hiện nay các sản phẩm dệt may đang phải chịu mức thuế suất tại các nước TPP từ 12- 17%, vì vậy nếu Hiệp định có hiệu lực, dòng thuế được gỡ bỏ sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh hàng may mặc của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường, tăng lượng xuất khẩu qua đó kích thích doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất.
Hiệp hội dệt may và phụ kiện Việt Nam (VITAS) cũng đã ước tính, cứ tăng thêm 1 tỉ USD xuất khẩu sẽ tạo thêm 150- 200 nghìn việc làm. Vì vậy đây là ngành chiến lược về xuất khẩu tạo việc làm.
Tuy nhiên, qui tắc xuất xứ lại được cho là rào cản, có thể hạn chế những tác động này. Cụ thể sản phẩm dệt may của Việt Nam muốn được hưởng ưu đãi khi vào thị trường TPP thì phải tuân theo nguyên tắc từ sợi trở đi. Nghĩa là mọi thành phần vải sợ đều phải do Việt Nam sản xuất hoặc nhập khẩu từ các nước TPP.
Trước thách thức này, Phó Tổng giám đốc công ty May 10 lại nhìn nhận nó như một cơ hội, là cú hích để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nguyên liệu tại Việt Nam, nâng giá trị sản phẩm dệt may của Việt Nam.
“Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân…Sắp tới đây May 10 cũng sẽ đầu tư vùng nguyên liệu, tạo mối liên kết trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam để có một sản phẩm từ nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng đáp ứng được yêu cầu của khách hàng”, ông Việt cho biết.
Tương tự, ngay sau khi TPP kết thúc đàm phán, nhiều chuyên gia lo ngại các doanh nghiệp sữa sẽ bị "đè bẹp" bởi sẽ phải cạnh tranh với sữa New Zealand, Úc chất lượng tốt và giá rẻ. Trái ngược với những lo lắng này, TS. Hà Quang Tuấn – Chủ tịch HĐQT Hanoimilk lạc quan cho rằng, sau khi gia nhập TPP, ngành sữa sẽ là một trong số ít ngành mà doanh nghiệp Việt có đủ khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
"Không thể chủ quan, song với trình độ công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế, sự am hiểu thị trường và với tổng mức đầu tư của ngành sữa lên tới nhiều tỷ đô la cho các nhà máy, trang trại, hệ thống phân phối, thương hiệu... như hiện nay, không thể có chuyện các doanh nghiệp sữa trong nước bị co cụm mà thậm chí còn lớn mạnh hơn trong cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Nói tóm lại là ngành sữa Việt Nam có khả năng cạnh tranh lành mạnh cả về giá và chất lượng với các doanh nghiệp nước ngoài", ông Tuấn cho biết
Là trưởng đoàn phán TPP, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định, thách thức trong TPP là có nhưng nhiều thách thức đang bị thổi phồng. Thách thức thật sự ở đây là chúng ta có nắm bắt được cơ hội hay không?
Theo Thứ trưởng, với một số nông sản mà các nước trong TPP có thế mạnh như thịt lợn, thịt gà... thì sức ép cạnh tranh sẽ rất lớn khi thuế về 0%. Trong nông nghiệp, ngành chăn nuôi có thể gặp khó khăn hơn những ngành khác. Tuy nhiên cam kết xóa bỏ thuế quan về 0% có lộ trình, ngành chăn nuôi vẫn có ít nhất 10 năm để chuẩn bị trước khi sức ép cuộc chơi mới thực sự tác động.
“Không phải bây giờ chúng ta mới hội nhập mà đã hội nhập 20 năm nay. Chúng ta đã giảm thuế, mở cửa toàn bộ thị trường, hàng hóa các nước cạnh tranh với hàng hóa của ta. Nhưng có tan vỡ như chúng ta đã từng lo lắng hay không. Vậy vì sao chúng ta lại sợ TPP”, Thứ trưởng nói.
Chia sẻ với chúng tôi, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý Kinh tế trung ương, bày tỏ quan điểm, ông không thích cách nhìn nhận rằng “Việt Nam vô địch FTA” hay doanh nghiệp Việt Nam mơ hồ về hội nhập.
Theo TS. Thành, trải qua bao nhiêu năm, doanh nghiệp Việt đã trưởng thành rất nhiều nên không phải ngẫu nhiên mà tuyệt đại đa số doanh nghiệp đều nhìn thấy khó khăn, thách thức trong hội nhập nhưng đều ủng hộ hội nhập.
Nếu nhìn lại, đến nay Việt Nam đã có hơn 20 năm hội nhập. Năm 2000, chúng ta cũng e ngại khi ký Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ (BTA) bởi thị trường Hoa Kỳ rất cao cấp, pháp lý rất phức tạp, làm sao chúng ta tiếp cận được? Đến nay chúng ta cũng lo ngại như vậy với TPP và các FTA khác.
Nhưng thực tế đã cho thấy sau khi ký BTA, Hoa kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
“Khó khăn thách thức nhiều nhưng thực tiễn chứng minh rằng ta làm được và thứ hai, đã chơi phải tự tin. Người Việt Nam đủ nghị lực, phát vọng, ý chí để thực hiện điều đó”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Lạc quan trước những cơ hội mà TPP mang lại nhưng TS. Thành cũng lưu ý, điều quan trọng nhất là công tác chuẩn bị. Những kỳ vọng của doanh nghiệp phải được chuyển hóa thành sự tìm hiểu, kế hoạch, chiến lược đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.