Những ngòi bút thiếu đạo đức thì không thể xây dựng nền tảng đạo đức của xã hội
Mở đầu bài phát biểu, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nói: “Nhà báo của chúng ta là một danh xưng rất đáng trân trọng và là sự trao truyền hết sức thiêng liêng và quý giá. Trải qua chặng đường lịch sử 91 năm, chúng ta tự hào có nền báo chí cách mạng chính trực, nhân văn, được xây đắp lên bởi những người làm báo trung thực đầy trách nhiệm và tinh thần cống hiến. Hàng ngày, hàng giờ, âm thầm dấn thân với nghề vì đất nước và nhân dân, vì lẽ phải, góp phần xây dựng một nền báo chí, vì con người và tôn trọng con người, một nền báo chí nhân văn tích cực, sẽ có sức mạnh để bảo vệ giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, bảo vệ quyền lợi thiết thân của đất nước của dân tộc ta, quyền lợi của từng người dân, trong đó có quyền cá nhân và đời sống cá nhân được pháp luật bảo hộ”.
Ông Hồ Quang Lợi -Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam |
“Chúng ta biết luật pháp thì bắt buộc, quy định đạo đức có sự ràng buộc về uy tín, tinh thần. Đạo đức và luật pháp không tách rời nhau. Tuần thủ đạo đức nghề nghiệp cũng là góp phần xây dựng đạo đức xã hội. Những ngọn bút thiếu đạo đức thì không thể góp phần xây dựng nền tảng đạo đức của xã hội”- Phó chủ tịch Hội nhà báo nhấn mạnh.
Theo ông Hồ Quang Lợi, chưa bao giờ đạo đức của những người làm báo lại được xã hội quan tâm như thế. Chúng ta không thế chối bỏ một thực tế, trong những năm gần đây, trước những thách thức của thời cuộc, của đời sống xã hội, có một bộ phận những người làm báo đã vi phạm những chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp với những biểu hiện khác nhau. Có những hiện tượng do vô tình, hoặc là do non kém, năng lực tác nghiệp hoặc là hữu ý vi phạm đạo đức nghề nghiệp đưa đến hậu qủa rất đáng tiếc làm mai một hình ảnh của người làm báo, dẫn đến công chúng mất niềm tin vào báo chí.
"Trong những hành vi không chuẩn mực của báo chí có những hành vi vừa vi phạm đạo đức, vừa vi phạm pháp luật, nhưng có những điều luật pháp không cấm, nhưng đạo đức thì không cho phép. Có nơi, hoạt động cả tòa soạn với mục đích câu view bằng mọi cách như kiểu tin bài như moi móc đời tư, miêu tả rùng rợn vụ án, làm nóng sự việc, đơm đặt, bịa đặt thông tin, đăng tải thông tin không kiểm chứng. Những kiểu tin bài như thế, tạo công chúng một cảm giác bức bối gây ô nhiễm môi trường tinh thần, đời sống xã hội, kể cả ngôn ngữ tiếng Việt.
Chúng tôi thấy trầm trọng nhất là vi phạm tính chân thực của báo chí. Chúng ta biết giá trị cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp báo chí là tính trung thực. Thông tin chính xác, đúng đắn, phù hợp với lợi ích của dân tộc và của người dân, chính là sứ mệnh của báo chí chúng ta. Thế nhưng có hiện tượng đánh tráo khái niệm, làm sai bản chất, có hiện tượng xuyên tạc, bịa đặt vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tập thể và tổ chức”- ông Hồ Quang Lợi nói
Theo Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, những hiện tượng tiêu cực của báo chí đang làm góp phần lung lay giá trị tinh thần, giá trị đạo đức làm xói lở niềm tin xã hội. Bên cạnh đó, báo chí nhận thấy những thách thưc trước sự lần lướt của mạng xã hội, bây giờ lại mất thêm niềm tin bởi những trang báo đưa tin thiếu trung thực khiến độc giả phải tự đi tìm kiếm thông tin trong biển thông tin xô bồ hỗn tạp quả thực đây là điều vô cùng nguy hại
Trong bài phát biểu, ông Hồ Quang Lợi cũng nêu rõ, Quy định về đạo đức báo chí năm 2005 đã được Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 8 thông qua. Về cơ bản, những giá trị chuẩn mực đạo đức vẫn còn ở trong các quy định pháp luật. Sau 11 năm thực hiện, tình hình đất nước, tình hình xã hội có những biến đổi sâu sắc. Bên cạnh đó Hiến pháp 2013, Luật Báo chí 2016, và những văn bản pháp luật được thông qua cũng tác động rất mạnh trong đời sống xã hội và đời sống báo chí, cùng với đó mạng xã hội lên ngôi. Điều này đòi hỏi cần sửa đổi Quy định về đạo đức báo chí.
Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị, sau hội nghị này, các cơ quan báo chí tổ chức cho hội viên, hội nhà báo ngành đơn vị mình học tập nghiêm túc Luật Báo chí năm 2016, thấm nhuần những quan điểm nắm vững những quy định trong các điều luật, thảo luận xác định rõ phạm vi giới hạn, những thao tác nghề nghiệp. Các chi hội, liên chi hội tổ chức tọa đàm về việc thực hiện, những nội dung luật hóa, đối với hoạt động báo chí về đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo và tại diễn đàn đó những quy tắc nghề nghiệp phù hợp với chuẩn mực, hành vi, đạo đức xã hội…
Đồng thời, các cơ quan báo chí lấy ý kiến của hội viên của các ngành và của các tầng lớp nhân dân, đóng góp vào từng điều quy định đạo đức nghề nghiệp có thể đề xuất thêm nội dung cần thiết có thể bớt những nội dung trùng lặp, những câu từ cho rõ nghĩa hơn cân nhắc tổng hợp thành văn bản gửi Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.
Hạn cuối, ngày 30/8, các tổ chức, liên chi hội và hội nhà báo địa phương gửi văn bản góp ý sửa đổi Quy định về đạo đức báo chí về cơ quan trung ương hội Việt Nam.