Những nghi vấn bán độ trong lịch sử World Cup
Trước khi World Cup 2014 chính thức khởi tranh tại Brazil, FIFA trấn an rằng sẽ thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn tình trạng bán độ xảy ra. Tuy nhiên, vừa đi qua một nửa chặng đường, Liên đoàn bóng đá Cameroon đã khiến tất cả choáng váng khi thông báo đang điều tra về việc 7 cầu thủ của đội tuyển tham gia bán độ.
Đây không phải lần đầu tiên giải bóng đá lớn nhất thế giới xảy ra bê bối bán độ. Lịch sử các mùa World Cup chứng kiến nhiều sự việc như vậy.
Năm 2008, trong cuộc phỏng vấn với tờ Folha de Sao Paulo, cựu Chủ tịch FIFA Joao Havelange phát biểu các mùa World Cup 1966 và 1974 đều có bán độ. Được dẫn dắt bởi huyền thoại bóng đá Pele, đội tuyển Brazil thắng như chẻ tre và vô địch cả hai mùa 1962, 1970. Song, ông Havelange cáo buộc Anh và Đức đã liên minh với nhau để “dìm” Brazil trong năm 1966 và 1974.
![]() |
Hai cầu thủ Cameroon Benjamin Moukandjo và Benoit Assou-Ekotto lao vào ẩu đả trong trận gặp Croatia. |
Có nhiều chứng cứ ủng hộ lời tố cáo của ông. World Cup 1966 tổ chức tại Anh chứng kiến Brazil bị loại ngay từ vòng bảng. Một trong những lý do chính là hai đối thủ của Brazil, Bulgaria và Hungary, liên tục phạm lỗi với Pele và khiến ông gặp chấn thương. Đồng thời, trong số 3 trọng tài và 6 trọng tài biên, có tới 7 người Anh và 2 người Đức. Kết quả Anh và Đức nắm tay nhau bước vào trận chung kết theo đúng mong muốn của ông Stanley Rous, Chủ tịch FIFA thời điểm ấy.
Anh vô địch mùa giải 1966 không phải chỉ nhờ vào thực lực đội bóng. Trong trận tứ kết gặp Argentina, trọng tài người Đức Rudolf Kreitlein đã “tặng” cho đội trưởng Argentina một thẻ đỏ. Đội tuyển Nam Mỹ thua 1-0 trong một trận đấu được gọi là “vụ trộm thế kỷ”. Trong khi đó, Tây Đức cũng thắng Uruguay 4-0 nhờ công của trọng tài Anh Jim Finney. Không chỉ đuổi 2 cầu thủ Uruguay, ông còn làm ngơ trước một pha chơi bóng bằng tay của Đức.
Theo ông Havelange, World Cup 1974 là phiên bản hai của năm 1966 song Tây Đức lần này thế chỗ Anh. “Tại Đức, năm 1974, điều tương tự đã xảy ra. Trong trận Brazil – Hà Lan, trọng tài là người Đức, Brazil thua 2-0”. Trận chung kết Đức gặp Hà Lan, trọng tài là người Anh Jack Taylor, Đức cũng thắng 2-1, lội ngược dòng nhờ một quả phạt penelty.
Bốn năm sau, tại World Cup 1978, luật chơi thay đổi khi các đội không chỉ đá một vòng loạt trực tiếp duy nhất sau vòng bảng để xác định ngôi vô địch mà đá vòng tròn 3 lượt, 2 đội có thành tích cao nhất gặp nhau ở trận chung kết. Brazil thắng 2 trên 3 trận (hòa Argentina 0-0), hiệu số bàn thắng thua là 5, còn Argentina muốn vào trận cuối phải thắng Peru 4 bàn.
Đây chính là lúc nghi án bán độ diễn ra và bị ém nhẹm cho đến khi vô tình được xác nhận năm 2012 bởi Thượng nghị sỹ Peru Genaro Ledesma. Do lo ngại bạo động, Tổng thống Peru Francisco Bermudez năm ấy đã thỏa thuận với Tổng thống Argentina Jorge Videla để thua 0-4. Đổi lại, ông Videla cho phép chính quyền Bermudez lưu đày 13 người bất đồng chính trị sang Argentina làm tù nhân. Về phía Argentina, nước này cần thắng World Cup để cải thiện hình ảnh trên thế giới. Vì thế, ông Videla chấp nhận điều kiện của người đứng đầu Peru. Cuối cùng, Argentina thắng Peru 6-0 và bước vào trận chung kết cùng Hà Lan, nơi họ lên ngôi vô địch.
World Cup 1982, hành vi gian lận tiếp tục diễn ra. Tây Đức và Áo muốn có thể tiến vào vòng 2 nếu Đức thắng sát nút 1-0. Sau 11 phút, Đức đã có bàn thắng vào lưới đội tuyển Áo và từ thời điểm đó, trận đấu diễn ra như đá tập. Dù vấp phải phản đối từ phía Algeria, đội bóng bị loại vì cái bắt tay giữa Đức – Áo, FIFA vẫn bảo lưu kết quả.
Năm 2002, một lần nữa nước chủ nhà lại được đối xử đặc biệt. Đồng chủ nhà Hàn Quốc gây bất ngờ khi lọt vào vòng loại trực tiếp và từ đây mọi thứ diễn ra một cách đầy ma thuật khi đội bóng châu Á lần lượt đánh bại Ý, Tây Ban Nha để vào bán kết và đứng thứ 4.
Tại World Cup 2006, tin đồn Pháp trả Brazil 25 triệu USD để thua trận tứ kết rộ lên sau khi một email có nội dung Brazil nhận được tiền bồi thường từ Pháp xuất hiện trên mạng. Pháp thắng 1-0 còn Brazil chỉ có duy nhất 1 cú sút về phía khung thành tuyển Pháp. Đáng nghi hơn, không một ngôi sao đội Brazil nào trả lời báo giới sau trận đấu.
Ngay trước World Cup 2010, Lord Triesman, người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá Anh, từ chức sau khi đoạn băng ghi âm ông nói về nhà chức trách Tây Ban Nha muốn đút lót trọng tài trong giải đấu sắp diễn ra bị lộ. Cuối cùng, trọng tài Tây Ban Nha bắt trận Đức – Serbia đã rút thẻ đỏ cho một cầu thủ Đức, dẫn đến thất bại 0-1. Dù không thể ngăn cản Đức tiến vào vòng knock-out, tranh cãi tiếp tục bùng nổ khi Đức thua Tây Ban Nha 0-1, đội bóng vô địch World Cup năm ấy.
Năm nay, dù mới đi được một nửa chặng đường, World Cup 2014 đã vướng phải tin đồn bán độ khác, lần này là đội tuyển Cameroon. Liên đoàn bóng đá Cameroon tuyên bố đang điều tra 7 cầu thủ đội này tham gia bán độ. Họ gọi các cầu thủ bị tình nghi là “7 quả táo thối”. Trong giải đấu năm nay, Cameroon có một vài nghi vấn đáng chú ý: trong trận gặp Croatia, cầu thủ Alex Song đánh nguội Mandzukic của Croatia và bị đuổi khỏi sân, khiến đội thua đậm 4-0. Ngoài ra, cũng trong trận này, hai cầu thủ khác của Cameroon là Benjamin Moukandjo và Benoit Assou-Ekotto còn định lao vào ẩu đả ngay trên sân.
Cameroon thua 3 trận vòng bảng và phải về nước, một thành tích không thể tồi tệ hơn. Dù vậy, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Cameroon, ông Volker Finke phủ nhận thông tin đáng xấu hổ nói trên và cho rằng đó chỉ là tin đồn.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ Sports on Earth, một ấn phẩm hợp tác giữa nhật báo USA Today và công ty truyền thông Major League Baseball Advanced Media.