Những lời “gan ruột” của nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn
“So với các chiến sĩ cách mạng cao tuổi thì với tuổi 95 tôi thấy mình vẫn còn xuân chán” – mở đầu bài nói chuyện trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 tại TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Thọ Chân, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, đã làm cả hội trường bật cười bằng câu nói rất dí dỏm đó.
Nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Thọ Chân |
Nhắc lại ý nghĩa của Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, ông Nguyễn Thọ Chân nhấn mạnh đó là những ngày mà sau bao nhiêu năm đấu tranh gian khổ vô cùng, đất nước đã hy sinh bao nhiêu xương máu để từ đó chớp được thời cơ làm tổng khởi nghĩa thành công và tuyên bố hoàn toàn độc lập vào ngày 2/9/1945.
Ông Nguyễn Thọ Chân nhấn mạnh: “Chúng ta chấp nhận hy sinh và đã hy sinh rất to lớn, nhưng những hy sinh đó là cần thiết và xứng đáng, vì giữ được độc lập, chủ quyền, tự do hạnh phúc, giữ được phẩm giá Việt Nam”.
Ông cũng nhận định rằng dù đất nước đã thống nhất được 40 năm, nhưng quân bành trướng và tay sai Khơ me đỏ gây chiến ở hai đầu đất nước thêm 14 năm nữa. Từ đó ông gửi gắm hy vọng đến thế hệ trẻ của Thành phố. Ông cũng nhắc đến câu nói của phương Tây: “Đấu tranh không gian khổ thì thắng lợi cũng chẳng vẻ vang gì”, và cho rằng ngày nay trong xây dựng hòa bình cũng vậy.
“Xuất phát điểm mọi mặt của ta thấp, nếu lười biếng thì chẳng bao giờ khá được. Bác Hồ dạy dân tai phải “cần – kiệm – liêm – chính”. Bác để “cần” lên đầu cũng có ý là chăm chỉ cần cù, tiết kiệm triệt để mới khá được” – ông Nguyễn Thọ Chân chia sẻ.
Tâm sự thêm về thời đi học, ông nhớ lại câu “Lười biếng đẻ ra mọi thói hư tật xấu” và khuyên rằng: “Các bạn trẻ thử nghĩ xem, đã lười thì biếng học, biếng làm, muốn không làm mà cứ có ăn, tức là ăn vào sức lao động của người khác trong xã hội. Không kiếm được thì dùng quyền lực để tham nhũng, có kẻ cố cùng thì trộm cắp lừa đảo, cờ bạc, ích kỷ hại nhân”.
Với mong muốn đất nước được giàu mạnh, ông đã đưa ra những đề nghị như “một nguyện vọng trước khi từ giã cõi đời này”. Ông mong rằng đảng viên phải biết tu dưỡng, chính quyền phải nghiêm minh, làm việc rốt ráo, đoàn thể phải động viên được toàn thể giới mình và ai cũng phải vì nước mà làm việc, học tập lao động.
“Chín mươi lăm tuổi tớ chưa già
Răng còn nhai được, tóc che mưa
Vẫn năng vận động, ưa thanh đạm
Đường đi âm phủ hẳn còn xa”
- Nguyễn Thọ Chân -
“Với các bạn trẻ và các cháu thiếu niên nhi đồng”, ông nhấn mạnh rằng phải “lao động, học tập rèn luyện vì tuổi trẻ là chủ hiện nay và tương lai của đất nước”.
Ông khẳng định: “Thế hệ chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và các cháu, không ai nghi ngờ về tài sức của tuổi trẻ Việt Nam”.
Nói đến mối quan hệ với Trung Quốc, ông kể lại câu chuyện được nói chuyện cùng Bác Hồ năm xưa. “Có lần sau Hội nghị Trung ương Bác dẫn tôi ra sân hỏi chuyện tình hình Liên Xô. Khi đó tôi có khen “Nhân dân Liên Xô tốt lắm Bác ạ!”. Nghe vậy Bác cười và bảo: “Thế theo chú thì nhân dân nước nào không tốt?”".
Từ đó ông Thọ Chân cho biết: “Dân là tốt, cho nên chúng ta phải tin vào nhân dân Trung Quốc. Tất cả các nước đều tốt cả, không có lỗi. Tuy người dân Trung Quốc đã có lúc bị lừa, nhưng về lâu dài phải bảo vệ tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc”.
Ông cũng lấy một ví dụ từ chính Trung Quốc để nhắc nhở mọi người: “Cách đây vài ngàn năm, nước Tần làm bá chủ, các nước đều phải làm chư hầu. Duy chỉ có nước Triệu tuy nhỏ nhưng có vua giỏi, văn thần, võ tướng tài ba, nhân dân lại có tinh thần yêu nước độc lập, dốc sức làm ăn nên kinh tế văn hóa quân sự đều rất mạnh. Tần xua quân mấy lần đều thất bại”.
Bài nói chuyện của ông Nguyễn Thọ Chânđã khiến rất nhiều người xúc động. |
“Hiện nay có Ấn Độ, Nhật, Nga có tiềm lực mạnh nên Trung Quốc không dám bắt nạt.[...] Muốn giữ được toàn vẹn lãnh thổ thì toàn dân ta phải chí thú học tập, lao động, phải quan hệ tốt với mọi cường quốc mà vẫn làm ăn với Trung Quốc”– ông Nguyễn Thọ Chân nói.
“Chúng ta ngày càng phải tự lực tự cường, phải xem cái gì cần làm trước, cái gì để lại sau. Tránh phô trương hình thức mà nước vẫn yếu, dân vẫn nghèo, quân chưa mạnh. Phải tránh thói ba hoa, chỉ bày vẽ các đề án để kiếm chác, phải tìm kiếm và trọng dụng người có thực tài, thực học. Cả nhà nước và nhân dân không được phép ném tiền qua cửa sổ, chi tiêu không tính toán” – ông nói bằng giọng rất cương quyết.
“Tôi nêu nguyện vọng của những người mà tuổi đời đang ở độ tuổi hoàng hôn. Chúng tôi vinh dự được làm công dân của Thành phố anh hùng thân yêu này. Đất nước Việt Nam đang giàu đẹp và chắc rằng còn giàu đẹp vô cùng, vẻ vang thay tổ quốc Việt Nam của chúng ta” – ông Nguyễn Thọ Chân kết thúc bài nói chuyện trong tiếng vỗ tay không ngớt của cả khán phòng.
Ông Nguyễn Thọ Chân sinh năm 1921 tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Năm 1942 (21 tuổi) ông được phân công làm Bí thư tỉnh ủy Hà Đông, năm 1943 là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Cũng trong năm 1943 ông bị bắt và đi đày tại Côn Đảo cho đến 1945 thì ra tù. Tới năm 1946 ông được cử làm Bí thư thành ủy Sài Gòn. Năm 1964 ông được cử làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh. Trong khoảng thời gian từ năm 1967 đến 1972 ông là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên Xô và Thụy Điển. Năm 1974 ông được bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội.