Những linh vật kỳ lạ của người Việt, nhiều con chưa từng nghe tên
Thế giới linh vật Việt rất phong phú, thể hiện bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc cũng như sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam với các nền văn minh lớn của thế giới. Những linh vật "độc lạ" có thể khiến nhiều người bất ngờ.
Hình Giao long trang trí trên giáo đồng, thuộc văn hóa Đông Sơn, cách đây 2.000 - 2.500 năm. Giao long là linh vật Việt được cách điệu từ cá sấu, là vật Tổ biểu trưng cho sức mạnh của cư dân Đông Sơn trong buổi đầu dựng nước Văn Lang - Âu Lạc.
Hình Pegasus (ngựa có cánh) trên bình gốm hoa lam thời Lê sơ, thế kỷ 15. Pegasus là ngựa thần biểu tượng cho sự thông thái trong văn hóa phương Tây, được truyền vào Việt Nam từ thời Lê sơ (thế kỷ 15) trên đồ gốm xuất khẩu thông qua đặt hàng của thương nhân phương Tây.
Đèn hình Tích tà bằng đồng, thế kỷ 1 - 3. Tích tà là linh vật huyền thoại có nguồn gốc Á Đông, hình thức giống như sư tử có cánh, mang ý nghĩa biểu tượng trừ tà, xua đuổi điều xấu, mang lại tốt lành.
Bồ lao trên quai chuông đồng của chùa Thanh Long (Thái Bình), thời Lê Trung Hưng. Theo truyền thuyết, Bồ lao là động vật biển dạng rồng hai đầu, thích âm thanh lớn, hay gầm rống, rất sợ cá kình, khi bị cá kình đuổi thì kêu rất to. Người xưa đúc chuông thường tạo hình quai bồ lao, dùi hình cá kình với mong muốn tiếng chuông vang xa.
Tay nắm cửa hình Tiêu đồ bằng đồng, thế kỷ 1 - 3. Theo truyền thuyết, Tiêu đồ là linh vật có tính khí lười biếng, thường cuộn tròn nằm ngủ, không thích có kẻ lạ xâm nhập lãnh địa của mình. Tiêu đồ thường được chạm trên tay nắm cửa ra vào, ngụ ý bảo vệ sự an toàn cho chủ nhà.
Hai Mắt cửa của nhà cổ Tấn Ký ở Hội An. Tại phố cổ Hội An, Mắt cửa là một dạng linh vật được treo trước nhà, có vai trò như mắt thần canh giữ cho ngôi nhà, đem đến sự an lạc, xua đuổi điều xấu xa.
Hình Thao thiết đúc nổi trên tai thạp đồng, khoảng thế kỷ 2 TCN - 2 SCN. Theo truyền thuyết, Thao thiết là con vật ham ăn vô độ đến mức xơi cả cơ thể mình. Vì vậy, hình ảnh Thao thiết chỉ là phần đầu với hai chân trước. Linh vật này tượng trưng cho sự no đủ, bền vững.
Hình Garuda trên mảnh tháp bằng đất nung, thời Lý, thế kỷ 11 - 13. Garuda là loài chim thần có nguồn gốc từ Ấn Độ, được tạo hình như người - chim, tượng trưng cho sức mạnh và chân lý. Ở Việt Nam, Garuda được du nhập từ Champa vào nghệ thuật Phật giáo thời Lý đến thời Mạc.
Tượng Si vẫn bằng đất nung thời Lê Trung Hưng. Theo truyền thuyết, Si vẫn (còn gọi là con kìm) là động vật biển có đuôi cong trong, đập sóng thì mưa xuống. Bởi vậy người xưa thường đặt nó trên nóc mái các công trình kiến trúc với ý nghĩa phòng ngừa hỏa hoạn.
Tượng Tê giác thời Lý ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh. Theo quan niệm phật giáo cổ, Tê giác là linh vật biểu tượng cho những người tu hành kiên trì cho đến ngày giải thoát.
Quốc Lê/Kiến thức