Những ký ức khó quên về Hiệp định Paris
Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Bình - Nguyên Phó Chủ tịch nước - Nguyên trưởng đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại hiệp định Paris và nhiều nhân chứng lịch sử, đại biểu quốc tế đến từ các nước có phong trào ủng hộ đòi hòa bình ở Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Sau 40 năm ký kết Hiệp định Paris, cuộc gặp gỡ giữa những người cách mạng Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình, đấu tranh cho Việt Nam trên khắp thế giới diễn ra cảm động, đầy tình hữu nghị, đoàn kết.
Bà Nguyễn Thị Bình (bên trái), Trưởng Phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, người đã đặt bút ký vào Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973, gặp gỡ các chứng nhân lịch sử trong nước và quốc tế. |
40 năm đã trôi qua, giá trị của Hiệp định đã được lịch sử chứng minh, dân tộc Việt Nam đã sống trong hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước.
Tại hội nghị, điều mà các nhân chứng lịch sử của Hiệp định này nhắc đến không chỉ là tầm quan trọng, giá trị của Hiệp định, mà chính là những kỷ niệm sâu sắc trong quá trình tiến tới đàm phán, ký kết Hiệp định.
Nhiều nhất là những kỷ niệm của bạn bè quốc tế dành cho nhân dân Việt Nam. Khi ấy, phong trào đoàn kết, đấu tranh vì hòa bình ở Việt Nam của nhân dân thế giới diễn ra ở nhiều nơi, giúp Việt Nam bằng hành động cụ thể, bằng sự yêu mến, chia sẻ, động viên hay bất cứ việc gì có thể làm trong khả năng của mình.
Ông Võ Anh Tuấn - Đại sứ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam tại Cuba trong thời điểm diễn ra đàm phán, ký kết Hiệp định Paris đã ghi nhận rất nhiều tình cảm của người dân Mỹ Latin dành cho Việt Nam.
Thắng lợi quân sự giòn giã trên chiến trường miền Nam, đặc biệt “chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12/1972, buộc địch phải ký Hiệp định Paris ngày 27/01/1973 đã làm cho uy tín quốc tế của Việt Nam nói chung, của Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam nói riêng, càng được nâng cao hơn bao giờ hết.
Ông Tuấn kể: “Trong thời gian ở Argentina, tôi được mời tham dự một khóa họp Quốc hội. Tranh thủ giờ giải lao, tôi gặp các nghị sỹ để thông tin về tình hình Việt Nam. Tôi tự giới thiệu mình là người của Chính phủ Cách mạng lâm thời mà Mỹ gọi là Việt cộng. Họ đến bắt tay, vui mừng, vỗ lên vai- Đó là cử chỉ rất thân thiện của người dân Mỹ Latin. Cuối năm đó, Việt Nam và Argentina thiết lập quan hệ ngoại giao”.
Đường lối đấu tranh của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ nói chung và trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris nói riêng, có 3 yếu tố hết sức quan trọng, đó là: Đấu tranh trên chiến trường; đấu tranh ngoại giao; sự ủng hộ của dư luận trong nước, thế giới.
Với Hiệp định Paris, chúng ta đã đạt được cả 3 yếu tố đó. Thắng lợi này đã được bạn bè quốc tế đón nhận như một sự kiện đặc biệt.
Bà Mean Som An hiện là Thượng nghị sỹ - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ vì Hòa bình và Phát triển Vương quốc Campuchia – người từng tham gia lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam nhớ lại: "Khi đang cùng mọi người ở trong rừng, khi nghe tin Hiệp định Paris được ký kết, cả đơn vị mừng lắm. Khi đó, tôi nghĩ được rằng, sao Việt Nam giỏi thế, đi nói được với Mỹ để Mỹ không bắn nữa. Đó là kỷ niệm sâu sắc với chúng tôi”.
Hội thảo bàn tròn “Gặp gỡ các nhân chứng lịch sử nhân kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam” còn ghi nhận nhiều tình cảm của bạn bè quốc tế trong việc phát động ủng hộ Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Đó là dự định của bà Helen - Chủ tịch Danh dự Hội hữu nghị Pháp - Việt về một buổi gặp gỡ tại Pháp có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Bình để gắn kết hơn nữa nhân dân hai nước. Đó là bà Ellen Mirer - Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ quốc tế với nhiều hoạt động đoàn kết, đấu tranh vì Việt Nam…