Những kịch tính trong mối quan hệ Trung - Ấn
Hôm 20/7, New Delhi đã triển khai gần 100 xe tăng đến khu vực biên giới Ladakh, sát với Trung Quốc. Theo trang tin NDTV của Ấn Độ, lý do New Dehli làm vậy bởi thời gian gần đây, Bắc Kinh thường xuyên đột nhập vào các khu vực biên giới của nước này. Điều đó cho thấy Trung Quốc đang muốn khiêu khích Ấn Độ, làm căng thẳng thêm những tranh chấp biên giới giữa hai nước.
Đây là một trong nhiều động thái mới nhất cho thấy sự căng thẳng đang gia tăng giữa hai “gã khổng lồ” ở châu Á. Theo ông Wicker, Trung - Ấn sẽ còn tiếp tục căng thẳng, thậm chí còn có khả năng xảy ra đối đầu.
Sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang nổi không có gì mới và cũng không đáng ngạc nhiên, đặc biệt là giữa hai quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc. Một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ và hung hăng và một Ấn Độ ngày càng có ảnh hưởng chắc chắn sẽ mâu thuẫn trên nhiều mặt trận. Bắc Kinh muốn tiếp tục duy trì là cường quốc duy nhất ở châu Á, kéo dài từ Siberia đến Biển Ả Rập, trong khi Ấn Độ cũng muốn tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, cũng như trên thế giới.
![]() |
Ấn Độ điều xe tăng tới giáp biên giới Trung Quốc hôm 20/7. |
Điều này được chứng minh khi cuối tuần trước, Trung Quốc đã ngăn Ấn Độ trở thành thành viên của Nhóm các nước cung ứng hạt nhân (NSG). NSG là một tổ chức kiểm soát hoạt động mua bán các vật liệu hạt nhân và các công nghệ có liên quan, sẽ tạo điều kiện tốt cho hoạt động sản xuất điện hạt nhân của Ấn Độ.
Dù đã nhận được sự ủng hộ của cả Mỹ, Anh, Pháp và nhiều quốc gia khác, nhưng Ấn Độ vẫn không vượt qua được sự cản trở của phái đoàn Trung Quốc để gia nhập NSG. Nhiều quan chức Ấn Độ cho rằng, hành động của Bắc Kinh thuần túy là vì lý do chính trị. Ngoài ra, Bắc Kinh còn ngăn New Dehli có được một ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Những hành động đó đã chứng tỏ được rằng Trung Quốc không muốn Ấn Độ có vai trò lớn hơn trên thế giới.
Bắc Kinh cũng đã theo dõi rất sát những động thái của Thủ tướng Narendra Modi nhằm tạo ra một Ấn Độ cởi mở và tích cực hơn trên thế giới.
Về phần mình, do có mối lo ngại lớn về Bắc Kinh, New Dehli đã tăng cường hợp tác với các cường quốc phương tây và các nước láng giềng châu Á. Cuộc tập trận hải quân gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ là một trong những động thái mới nhất cho thấy điều đó.
![]() |
Khu vực Ladakh, sát biên giới Trung Quốc. |
Ngoài ra, tháng 4/2016, Bộ Quốc phòng Mỹ và người đồng cấp Ấn Độ tuyên bố đã ký kết Biên bản Thỏa thuận Trao đổi Hậu cần (LEMOA). LEMOA cho phép New Dehli và Washington hỗ trợ hậu cần lẫn nhau. Quân đội Mỹ và Ấn Độ sẽ cùng chia sẻ các cơ sở tiếp nhiên liệu,phụ tùng, vật tư.
Những nỗ lực trên, kết hợp với thỏa thuận của Ấn Độ với các quốc gia ASEAN và Australia, khiến Bắc Kinh cảm thấy đang bị “bao vây” ngày càng chặt chẽ và và làm mối quan hệ Trung - Ấn căng thẳng hơn.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc đang tăng cường hiện đại hóa quân sự và thể hiện nhiều mục tiêu tham vọng. Các quan chức Ấn Độ cho biết đã phát hiện thấy nhiều tàu ngầm của Trung Quốc ở gần quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ, cũng như ở Ấn Độ Dương, gần 4 lần mỗi quý. Hoạt động trên cùng với hoạt động tuần tra trên biển sẽ còn tiếp tục tăng khi Trung Quốc xây dựng “con đường tơ lụa hàng hải”, cho phép Bắc Kinh gây ảnh hưởng và bảo vệ chuỗi cung ứng từ châu Phi và Trung Đông thông qua Ấn Độ Dương, vào Biển Đông và tiến tới các cảng phía đông của Trung Quốc.
Đáp lại, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng tăng cường đầu tư nâng cao nhận thức hàng hải và khả năng chống tàu ngầm, dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ.
Ông Wicker nhấn mạnh, Ấn Độ - Trung Quốc là hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Họ cũng nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên toàn cầu và đều có mong muốn đạt được vị thế chủ chốt ở châu Á. Do vậy, nếu xảy ra đối đầu thì nó sẽ là cuộc đối đầu nguy hiểm nhất trong khu vực.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng rất lo ngại và lên tiếng phản đối trước thông tin Trung Quốc sẽ sớm triển khai binh sĩ ở Pakistan để tăng cường an ninh cho Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) dài hơn 3.000 km bởi CPEC có đi qua khu vực Gilgit-Baltistan, thuộc sự kiểm soát của Pakistan tại vùng Kashmir đang có tranh chấp với Ấn Độ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Defense News, một tạp chí ra đời vào năm 1986, chuyên cung cấp những tin mới nhất cũng như các bài phân tích về các chương trình, chính sách, hoạt động và công nghệ quốc phòng.