Nhung hươu nai ế hàng tấn trong tủ lạnh
Thời cực thịnh, thương lái và du khách đổ xô về đây nhằm kiếm một cặp nhung tốt làm thuốc, ngâm rượu. Nhưng giờ đây, tất cả đã đổi thay.
Đã qua thời đặt cọc bằng vàng
Từ đầu thập niên 1990, những cư dân Hà Tĩnh vào xã Hiếu Liêm sinh sống đã mang theo bí quyết nuôi hươu nai lấy nhung làm thuốc. “Đất lành chim đậu”, nghề nuôi hươu nai lấy nhung và lấy thịt đã phát triển mạnh tại đây. Thương lái từ miền Tây, miền Bắc, miền Trung nườm nượp vào đặt hàng.
Ông Thái Mạnh Thường, một chủ hộ nuôi hươu nai ở Hiếu Liêm hồi tưởng lại thời vàng son: “Có thời điểm, người mua muốn có một cặp nhung tốt phải đặt cọc bằng vàng và chờ vài tháng trời mới có hàng. Giá nhung nai lúc ấy khá cao và người nuôi không cần phải tìm kiếm đầu ra vì khách tứ phương tìm đến tận nhà đặt hàng”.
Nhung hươu nai tồn hàng tấn |
Nhưng không khí mua bán tấp nập đó mấy năm nay bỗng chựng lại…
Ngoài lý do nền kinh tế đi xuống khiến khách mua hàng giảm sút nhanh thì chính “vùng đất hươu nai” cũng có những vấn đề nội tại không dễ giải quyết. Các hộ nuôi hươu, nai giờ phải tự đi kiếm mối bán cho khách vãng lai trong tỉnh, thậm chí phải kiếm mối tỉnh xa chứ không ngồi chờ khách tự tìm đến như 4 – 5 năm về trước. Nhung hươu nai đến thời điểm phải cắt (một năm chỉ lấy được một lần) trong khi đầu ra bất ổn nên rất khó bán. Nhung hươu nai đại trà thì bị người mua ép giá từ 8 triệu xuống còn 5 – 7 triệu đồng, nhưng nhiều hộ cần tiền vẫn phải bán rẻ để thu hồi vốn, cắt lỗ. So với mức giá 10 – 15 triệu đồng/kg nhung như cách đây vài năm, người dân nuôi hươu nai ở Hiếu Liêm giờ chỉ mong bán được 8 – 10 triệu đồng/kg là mừng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND huyện Vĩnh Cửu đã tập trung vào mục tiêu xây dựng thương hiệu bưởi Tân Triều (một loại bưởi ngon hiếm có) rồi mới đến thương hiệu “vùng đất hươu nai” của Hiếu Liêm. “Chúng tôi muốn người dân tập hợp lại để tạo điều kiện về đầu mối, điều kiện giấy phép mua bán”, ông Võ Văn Phi, phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết.
Tuy nhiên, ý tưởng này đến giờ vẫn chưa thấy triển khai nên hàng trăm hộ dân nuôi hươu nai bí lối. 200 hộ dân với khoảng 1.420 con hươu nai đang nuôi, nhưng đến thời điểm này chỉ mới có chín hộ đồng ý vào hợp tác xã. Lý do: hợp tác xã không đủ vốn để xây trụ sở; chưa có kế hoạch để chính quyền địa phương cấp đất thực hiện mô hình nuôi thả (thay vì nuôi nhốt như hiện nay), trồng cỏ, kết hợp du lịch và dịch vụ…
Đến hàng tấn nhung nằm trong... tủ lạnh
Hiện nay tiền vốn của dân nuôi hươu nai ở Hiếu Liêm chính là nhung hươu nai đã cắt nhưng chưa bán được. Và số vốn ấy (mỗi năm đến hàng tấn nhung) đang nằm trong tủ lạnh! Người dân đành bảo quản nhung hươu bằng cách ngâm rượu, sấy khô... để chờ thời.
Qua tìm hiểu được biết, hươu nai nuôi ở Hiếu Liêm được kiểm lâm khu bảo tồn Thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu cho phép nuôi; có giấy xác nhận nguồn gốc nên lâu nay không bị ai gây khó dễ gì. Tuy nhiên, riêng nhung hươu nai lại không có giấy phép xác nhận nguồn gốc. Mặt khác cũng chẳng có cơ quan chức năng nào xác nhận cho các sản phẩm liên quan như nhung hươu nai sấy khô, ngâm rượu, chế thuốc…
“Bán con giống thì có giấy phép của kiểm lâm, song sản phẩm nhung hươu nai thì lại chưa có. Tôi nghĩ, nếu chúng thuộc động vật hoang dã mà Nhà nước cho dân nuôi rồi sau đó gây khó dễ thì rất không phải với dân”, ông Nguyễn Đình Châu, chủ nhiệm hợp tác xã Dịch vụ hỗ trợ chăn nuôi hươu nai Hiếu Liêm trăn trở.
UBND huyện Vĩnh Cửu đề nghị phòng nông nghiệp, phòng tài chính huyện khảo sát mô hình và hướng dẫn cách thức đăng ký cho nông dân. Có điều sản phẩm nhung hươu nai là “sản phẩm mang tính đặc thù” nên khi đăng ký chất lượng hàng hoá thì chưa ai chứng nhận. Người dân đã hỏi sở Y tế, sở Công thương, sở Khoa học và công nghệ tỉnh Đồng Nai nhưng sở này chỉ sở kia rồi chỉ ra các bộ ngành trung ương nên sự việc cũng chưa đi đến đâu.
Những nụ cười vốn thường trực trên khuôn mặt người dân chăn nuôi hươu nai ở Hiếu Liêm bây giờ đã đi vắng. “Vùng đất hươu nai” đang bí một lối ra…