Những điều ít người biết về "thiên đường" Internet Hàn Quốc
Hàn Quốc luôn tự nhận là nhà tiên phong về lĩnh vực Internet. Quốc gia này luôn tự hào có tốc độ băng rộng trung bình nhanh nhất thế giới (khoảng 22 Mb/s). Hồi tháng 1/2014, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố nâng cấp mạng không dây của đất nước lên 5G vào năm 2020, giúp cho tốc độ truy cập mạng Internet nhanh gấp 1.000 lần so với hiện tại.
Tại Hàn Quốc, việc truy cập Internet bị kiểm soát gắt gao (ảnh minh hoạ) |
Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ phổ cập Internet lớn nhất trên thế giới, đồng thời, có mạng xã hội Cyworld ra đời trước khi Mark Zukerberg bắt đầu triển khai Facebook tới 5 năm, và dẫn đầu thế giới về lĩnh vực trò chơi video trực tuyến.
Tuy nhiên, trái với những tiện ích Interet mà người dân được hưởng, quyền tự do sử dụng Internet của họ lại bị kiểm soát khá ngặt nghèo.
Năm ngoái, Freedom House, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, xếp hạng việc sử dụng internet của Hàn Quốc "chỉ được tự do trong chừng mực". Trong báo cáo “Những kẻ thù của Internet”, tổ chức Phóng viên Không Biên giới cũng xếp Hàn Quốc vào danh sách các nước "kiểm duyệt Internet", cùng với Ai Cập, Thái Lan và Nga. Dường như định hướng tương lai của Hàn Quốc có dấu hiệu thụt lùi?
Bà Park Geun-hye, Tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốctuyên bố Chính phủ nước này cần phải "cải chính những tin đồn lan truyền thông qua các dịch vụ mạng xã hội" (ảnh minh hoạ) |
Mỗi tuần, một số trang web của Hàn Quốc lại bị gỡ xuống do vi phạm chương trình kiểm duyệt của chính phủ. Năm 2013, khoảng 23.000 trang web của Hàn Quốc đã bị xóa sổ, và 63.000 trang khác bị chặn, theo yêu cầu của Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCSC), một cơ quan trên danh nghĩa hoạt động độc lập, nhưng thực chất là do chính phủ nước này điều khiển.
Trong năm 2009, KCSC đã xoá sổ 4.500 trang web. Mục tiêu mà cơ quan này nhắm vào chủ yếu là các nội dung khiêu dâm, mại dâm và cờ bạc, vốn được coi là bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Nhưng những nội dung lành mạnh cũng bị hạn chế: trẻ chưa đủ 16 tuổi bị cấm chơi game online từ 12h00 đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Nhà chức trách sẽ kiểm tra tuổi của người chơi thông qua số ID mà họ được Chính phủ cấp.
Năm 2012 một thiếu niên 15 tuổi người Hàn Quốc từng vô địch cuộc thi dành cho các game thủ trên mạng đã bị khoá tài khoản khi đang tham dự trò chơi trực tuyến "Starcraft II" do Pháp tổ chức. Tại thời điểm đó, Hàn Quốc đang là nửa đêm, trong khi tại Pháp đang là ban ngày. Khi cậu thiếu niên này tìm cách kết nối lại vào trò chơi thông qua ID của bố mẹ, cậu đã bị thua cuộc.
Ngoài ra, các trang web của Triều Tiên, bao gồm cả trang web chính thức của Chính phủ Triều Tiên, cùng với cơ quan báo chí và trang xã hội Twitter của nước láng giềng này đều bị chặn khá gắt gao ở Hàn Quốc.
Một đạo luật có từ thời chiến tranh Nam Triều– Bắc Triều nghiêm cấm mang bản đồ Hàn Quốc ra khỏi đất nước. Do hiện tại, về nguyên tắc, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang duy trì tình trạng chiến tranh, nên đạo luật này đã được mở rộng, luật cấm được áp dụng cả với các dữ liệu bản đồ điện tử. Điều này có nghĩa là Google không thể xử lý dữ liệu bản đồ của Hàn Quốc trên các máy chủ của mình, và do đó, không thể cung cấp bản đồ chỉ đường tại Hàn Quốc.
Năm 2010, Liên Hiệp Quốc xác định KCSC "về cơ bản hoạt động như một cơ quan kiểm duyệt" và cơ quan này “xuống tay” rất nghiêm khắc. Năm 2012, một nhiếp ảnh gia đã phải nhận án tù mười tháng do đăng tải lại một loạt các viết tuyên truyền cho Triều Tiên, trong đó có bài viết anh này so sánh việc mình được nhận studio thừa kế từ người cha giống như quá trình chuyển giao lãnh đạo của Triều Tiên.
Năm 2008, Park Dae-sung, một blogger lấy bút danh Minerva đã đăng tải trên blog của mình dự đoán về sự sụp đổ của tập đoàn tài chính và ngân hàng của Mỹ, Lehman Brothers, cùng với sự sụp đổ của đồng won. Ngay sau đó, anh này đã phải nhận bản án gần 4 tháng tù với tội danh "truyền bá tin đồn sai sự thật".
Bình luận về chính trị cũng bị kiểm soát gắt gao. Từ năm 2004 người dùng internet được yêu cầu nhập tên và số thẻ căn cước khi muốn đăng tải ý kiến liên quan đến chính trị trong thời gian chuẩn bị diễn ra một cuộc bầu cử.
Từ năm 2009, những người muốn đăng tải bình luận về bất cứ vấn đề gì trên các trang web có hơn 100.000 lượt khách truy cập mỗi ngày cũng phải thực hiện yêu cầu tương tự. Tuy nhiên, sau năm 2009, đạo luật trên đã bị bãi bỏ.
Mặc dầu Chính phủ Hàn Quốc đang bắt đầu nới lỏng một số đạo luật hạn chế, nhưng họ lại đẩy mạnh giám sát của các phương tiện truyền thông xã hội. Năm 2011, KCSC đã thành lập một tiểu ban đặc biệt giám sát các phương tiện truyền thông xã hội, và ngay năm sau, cơ quan này yêu cầu gỡ bỏ 4.500 bình luận trên Twitter và Facebook, con số này cao gấp 13 lần so với năm 2010. Năm 2013, số lượng bình luận bị xóa tiếp tục tăng lên 6.400.
Hồi tháng 12/2013, bà Park Geun-hye, Tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc tuyên bố Chính phủ nước này cần phải "cải chính những tin đồn lan truyền thông qua các dịch vụ mạng xã hội", ám chỉ việc người dân phản đối việc tư nhân hóa đường sắt và dịch vụ y tế.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo từ tạp chí The Economist của Anh. The Economist là một ấn bản tin tức và các vấn đề quốc tế bằng tiếng Anh được phát hành hàng tuần.