Những dịch vụ mới ngành bưu điện: “Cánh tay nối dài” của Chính phủ liêm chính
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đây là thời điểm mà cán bộ, nhân viên của ngành Bưu điện có thể dùng hết tâm sức của mình để làm cho truyền thống rất đáng quý, rất đáng tự hào của ngành lại bừng lên.
Dịch vụ chuyển phát nhanh trả hộ chiếu tại nhà cho công dân do Bưu điện phối hợp triển khai tại trụ sở Công an TP. Hà Nội được người dân đánh giá cao về tính tiện ích và hiệu quả. |
Ý tưởng sáng tạo, đột phá trong cải cách hành chính
Tại Lễ công bố Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích diễn ra trung tuần tháng 12/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đây là ngày đặc biệt không chỉ đối với ngành Bưu điện mà đối còn với tiến trình cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là cung cấp dịch vụ công cho người dân, làm sao để các thủ tục này được rõ ràng, minh bạch hơn, người dân có thể tiếp cận một cách thuận lợi nhất, không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, mà điều quan trọng là thay đổi thái độ ứng xử của cán bộ nhà nước.
“Trong số rất nhiều quyết định được Thủ tướng Chính phủ ký trong năm qua thì Quyết định số 45 là một trong những quyết định sẽ có tác động rất rộng lớn đối với người dân.
Kể từ hôm nay, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính thông qua các điểm bưu điện ở tận từng ngóc ngách của đất nước, và tiến tới đây là tại từng nhà với sự trợ giúp trực tiếp của nhân viên bưu điện.
Đây là việc rất quan trọng, đánh dấu sự nỗ lực của anh em các ngành, đặc biệt là ngành Bưu điện. Mong ngành Bưu điện thực hiện thật tốt chức năng “cánh tay nối dài” của Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công cho người dân”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích.
Được biết từ trước đó, với 13.000 điểm giao dịch cấp xã, hơn 40.000 cán bộ, nhân viên, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã và đang triển khai nhiều dịch vụ hành chính công qua mạng lưới bưu điện như: Thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông; Tiếp nhận hồ sơ, chuyển trả giấy phép lái xe cấp đổi qua bưu điện… Những dịch vụ này đều được cộng đồng và các cơ quan nhà nước đánh giá cao về tính hiệu quả và tiện ích.
Điển hình như dịch vụ thu, nộp tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua hệ thống bưu diện tới tay công dân theo yêu cầu được triển khai tại Hà Nội.
Đánh giá rất cao dịch vụ này, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết: “Công an Hà Nội đang thực hiện cải cách hành chính để tạo thuận lợi nhất cho người dân, đỡ bức xúc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan công quyền. Thực tế thời gian qua, Công an Hà Nội đã thực hiện tốt cải cách hành chính trong các lĩnh vực như quản lý nhân khẩu, chứng minh thư, có nhiều cải tiến trong đăng ký xe...
Tuy nhiên, vẫn còn gặp sự phàn nàn khó chịu của nhiều người dân trong quá trình thực hiện nộp tiền xử phạt vi phạm giao thông và chuyển trả giấy tờ sau khi nộp tiền vi phạm. Theo đúng quy trình trước kia, người dân phải đến kho bạc nộp phạt. Sau khi có quyết định xử phạt, phải mang biên lai xác nhận đã nộp phạt mới lấy lại được giấy tờ.
Với trường hợp lái xe ở TP.HCM vi phạm ở Hà Nội, phải chuyển quyết định xử phạt về chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP.Hà Nội ký, phải có thời gian duyệt, xác định lỗi vi phạm, mức phạt rồi mới chuyển cho người vi phạm thực thi. Trong khi xe vi phạm xong vẫn phải tiếp tục vận chuyển, hàng tuần, hàng tháng sau, chủ xe mới quay lại Hà Nội để thực hiện nộp tiền... Quy trình này gây ra sự phiền hà rất lớn cho người dân.
Bây giờ, người dân có thể đến bưu điện gần nhất để đăng ký dịch vụ và sau đó bưu điện sẽ chuyển trả giấy tờ tạm giữ đến tận nhà. Thông qua bưu điện, không còn việc tiếp xúc trực tiếp giữa người vi phạm và người thực thi nhiệm vụ, qua đó sẽ hạn chế tiêu cực phát sinh”.
Quyết phải làm dù đụng chạm lợi ích
Đánh giá rất cao hiệu quả của việc bưu điện tham gia làm “cánh tay nối dài” của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý: “Đây là một việc rất khó khăn, nhưng chúng ta phải làm. Sẽ có những dịch vụ đụng chạm ngay tới công chức, viên chức trong từng ngành, từng cấp, nhưng vì thuận lợi của người dân, lợi ích chung của đất nước thì chúng ta cần phải làm.
Đơn cử một số dịch vụ mà Tổng Công ty Bưu điện đã bắt đầu thực hiện. Ví dụ như việc chi trả cho một số đối tượng, rõ ràng mang lại kết quả không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dân mà còn đảm bảo tính công khai, minh bạch của cơ quan nhà nước.
Đặc biệt, khi người dân tiếp cận với bưu điện thì họ là khách hàng tiếp cận với đơn vị cung cấp dịch vụ, thái độ khác hẳn khi người dân phải tiếp xúc với cơ quan công quyền”.
Không dừng ở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu thêm: Với Quyết định số 45 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Bưu điện đã tham gia vào việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ cấp độ 2. Tuy nhiên, không nên coi đây là giải pháp lâu dài.
Mong rằng Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ tích cực hơn, hợp tác chặt chẽ hơn với các công ty viễn thông, công nghệ thông tin thực hiện việc xây dựng cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho cả hệ thống chính trị.
“Ngày xưa, những người trẻ khi nói đến ngành Bưu điện đều cảm thấy rất thiêng liêng. Từ thời bắt đầu có cách mạng thì giao thông liên lạc bưu điện đã được coi là mạch máu, ngành Bưu điện luôn luôn được coi là một phần máu thịt trong hệ thống chính trị.
Khi bắt đầu bước vào đổi mới thì ngành Bưu điện cũng đi đầu. Nhưng sau này, dần dần bưu chính bắt đầu bị coi nhẹ hơn so với viễn thông và CNTT. Tôi chúc ngành Bưu điện, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục có những sáng tạo để ngành Bưu điện trong thời kỳ mới vẫn tiếp tục là một bộ phận máu thịt trong hệ thống chính trị của chúng ta như trong thời chiến tranh và thời gian trước.
Giờ đây là thời điểm mà những cán bộ của ngành Bưu điện có thể bằng hết tâm sức của mình để làm cho truyền thống rất đáng quý, rất đáng tự hào của ngành Bưu điện lại bừng lên.
Đây là thời điểm rất quan trọng của ngành Bưu điện. Đây cũng là một cơ hội để đổi mới hình ảnh, vai trò, gắn liền với hệ thống chính trị của ngành Bưu điện, ngành TT&TT nói chung”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trải lòng tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Thông tin & Truyền thông.