Những dấu mốc quan trọng trong chương trình tên lửa của Triều Tiên
Ngày 12/12, Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa Unha-3 |
Hôm qua (12/12), Triều Tiên thông báo họ đã cho phóng thành công tên lửa đẩy 3 tầng Unha-3 từ Trung tâm vũ trụ Sohae thuộc khu vực bờ biển phía tây nước này. Ngay lập tức, các quan chức Bộ chỉ huy phòng không Bắc Mỹ (NORAD) lên tiếng khẳng định hệ thống truy tìm tên lửa của Mỹ đã phát hiện đường đi tên lửa Unha-3 của Triều Tiên sau khi được phóng vào lúc 0h49 (GMT) tức 7h49 (giờ Việt Nam) ngày 12/12.
Ngoài ra, chính phủ Triều Tiên khẳng định tên lửa Unha-3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa một vệ tinh dự báo thời tiết vào khu vực quỹ đạo cực. Tuy nhiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều lên tiếng cáo buộc vụ phóng ngày hôm qua thực chất là cuộc thử nghiệm công nghệ tên lửa tầm xa trá hình.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng đã bị cấm thử nghiệm các thế hệ tên lửa đạn đạo sau khi Liên Hiệp Quốc thi hành lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng vào tháng 6/2009.
Do đó, trước thời điểm Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng cảnh báo Bình Nhưỡng và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc - Ban Ki-moon khẳng định đây là hành động "trắng trợn vi phạm" nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Hãng tin KCNA của Triều Tiên cho biết: "Vụ phóng lần thứ 2 của vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào ngày 12/12 đã diễn ra thành công. Vệ tinh đã tiến vào khu vực quỹ đạo như đã định".
Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy tầng đầu tiên của tên lửa Unha-3 đã rơi xuống vùng biển Hoàng Hải gần thành phố Gwangju của Hàn Quốc – khu vực sinh sống của gần 1,5 triệu dân.
Tầng tên lửa thứ hai đã rơi xuống gần đảo Jeju – một tỉnh tự trị của Hàn Quốc - nơi sinh sống của khoảng nửa triệu người, và bay trực tiếp qua thành phố Ishigaki của Nhật Bản với gần 50.000 người dân sinh sống.
Trong khi đó, giới quan chức Phillippine thông báo các mảnh vỡ từ tên lửa Unha-3 đã rơi xuống đảo Luzon, khu bờ biển phía nam nước này. Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu nguy cơ thảm họa quốc gia Phillippine cho biết không có thương vong về người và quốc gia này cũng đã giỡ bỏ thi hành "vùng cấm bay, cấm đánh bắt và cấm tàu thuyền hoạt động" đã được thiết lập trước đó.
Dưới đây là những dấu mốc quan trọng trong chương trình phóng tên lửa của Triều Tiên:
Tháng 7/2006: Triều Tiên tiến hành phóng 7 tên lửa bao gồm tên lửa tầm xa Taepodong-2 mà theo Mỹ thông báo đã bị nổ tung sau khi rời bệ phóng 40 giây. Trong khi, các tên lửa còn lại đều bị phóng thất bại và rơi xuống vùng biển Nhật Bản. Sau 3 tháng, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn 2 lệnh trừng phạt yêu cầu Triều Tiên ngừng phát triển chương trình tên lửa và cấm Bình Nhưỡng có bất cứ hành động nào liên quan tới buôn bán, trao đổi vũ khí hạt nhân.
Năm 2006 cũng là lần đầu tiên Triều Tiên phóng thử nghiệm tên lửa tầm xa sau 8 năm phóng tên lửa Taepodong-1 bay qua khu vực phía bắc Nhật Bản vào năm 1998.
Tháng 4/2009: Bất chấp cảnh báo của quốc tế, Triều Tiên đã cho phóng tên lửa 3 tầng bay qua Nhật Bản. Trong đó, 2 tầng đầu tiên của tên lửa rơi xuống khu vực phía đông và tây thuộc vùng biển Nhật Bản. Tuy nhiên, tầng tên lửa thứ 3 đã không tiến tới được vị trí đã định.
Mặc dù, giới truyền thông Triều Tiên thông báo họ đã thành công đưa một vệ tinh lên quỹ đạo và truyền tải dữ liệu song cơ quan NORAD xác nhận thực tế không một vệ tinh nào của Triều Tiên tiến vào quỹ đạo như đã nói.
Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã mạnh mẽ phản đối vụ phóng và cáo buộc đây thực chất là một cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa. Trong đó, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc - Ban Ki-moon khẳng định hành động của Triều Tiên đang gây mất ổn định khu vực.
Dưới thời của cố chủ tịch Kim Jong-il, Triều Tiên vẫn tiếp tục khởi động các cơ sở hạt nhân bất chấp sự phản đối của Liên Hiệp Quốc cũng như tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân.
Tháng 4/2012: Vụ phóng tên lửa hôm 13/4 của Triều Tiên tại khu vực phía tây bắc đã gặp thất bại. Chỉ sau 1 phút rời khỏi bệ phóng, tên lửa của Triều tiên đã nổ tung và rơi xuống bán đảo Triều Tiên cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc 105 dặm về phía tây. Hội đồng Bản an Liên Hiệp Quốc khẳng định vụ phóng này đã vi phạm 2 lệnh trừng phạt của tổ chức này.
Bình Nhưỡng đã lên tiếng xác nhận vụ phóng thất bại. Trong khi đó, Nhật Bản gọi tai nạn trên là "sự phát triển đáng tiếc". Ngoại giao Anh - William Hague tuyên bố: "Triều tiên có thể phải hứng chịu phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế nếu như nước này tiếp tục phát triển tiềm lực hạt nhân và tên lửa". Đây cũng là lý do để Mỹ ngừng viện trợ lương thực cho Triều Tiên.
Ngày 12/12/2012: Triều Tiên đã cho phóng thành công tên lửa Unha-3 từ Trung tâm vũ trụ Sohae và đưa vệ tinh dự báo thời tiết Kwangmyongsong-3 vào khu vực quỹ đạo đã định.